Nới “room” tín dụng nhưng sẽ không hạ chuẩn cho vay

Thanh Tùng| 12/05/2020 11:03
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, ngành Ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Đi kèm với thông điệp trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng.

“Chương trình tín dụng này được các TCTD triển khai từ nguồn huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế, do vậy yêu cầu đặt ra cho các TCTD là phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thông điệp trên trên thể hiện tính nhất quán và rõ ràng của lãnh đạo NHNN trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đó là: “Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay thông qua việc tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục nhưng các TCTD cũng sẽ không được “đánh đổi” tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá với việc hạ chuẩn cho vay khách hàng”.

Nêu quan điểm về việc ngành Ngân hàng không hạ chuẩn cho vay để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, chuyên gia kinh tế TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khó khăn kinh tế hiện nay khiến doanh nghiệp và người dân có xu hướng thu hẹp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Do đó, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong giai đoạn tới.

“Ngành Ngân hàng đã tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để trích lập, xử lý các khoản nợ xấu phát sinh ở giai đoạn trước. Bản thân nhiều ngân hàng hiện vẫn đang phải vật lộn xử lý các khoản nợ xấu tại VAMC. Không có lý do gì để các ngân hàng thương mại hạ chuẩn cho vay khách hàng ở thời điểm hiện nay”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, duy trì chuẩn cho vay sẽ giúp các ngân hàng giảm thiếu tối đa về nguy cơ rủi ro mất thanh khoản. Trong trường hợp doanh nghiệp và người dân không thể hoàn trả các khoản vay cho ngân hàng theo đúng thời hạn quy định do ảnh hưởng dịch Covid-19, thì rủi ro thanh khoản có thể đến với các ngân hàng bất cứ lúc nào.

Một thực tế cho thấy, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Ngân hàng sẵn sàng giảm lãi suất, gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Nhưng ở chiều ngược lại, các khoản tiền huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp, khi đến hạn ngân hàng bắt buộc phải thanh toán mà không thể xin gia hạn. Chính vì vậy, ông Nghĩa cho rằng, các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay cũng là gián tiếp đảm bảo khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

Trao đổi với thitruongtaichinhtiente.vn, một chuyên gia từ Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cũng cho rằng, hạ chuẩn cho vay sẽ dẫn đến rủi ro lớn nhất là các ngân hàng có khả năng bị mất vốn. Bên cạnh đó, nới lỏng các điều kiện cho vay cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh nợ xấu, qua đó có những tác động tiêu cực cho hệ thống ngân hàng cũng như cả nền kinh tế.

Do đó, thay vì nới lỏng và hạ chuẩn cho vay, vị chuyên gia này hiến kế: “các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng bằng các hoạt động cụ thể như: cùng xây dựng phương án kinh doanh với khách hàng, tư vấn các phương án tài chính cụ thể, phù hợp nhằm mang đến lợi ích tốt nhất cho khách hàng…”.

Nhằm đảm bảo doanh nghiệp khó khăn được tiếp cận vốn ưu đãi từ ngân hàng trong mùa dịch Covid-19, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ xem xét giảm tiếp các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở tạo cơ sở cho việc các TCTD trực tiếp cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.

NHNN cũng sẽ xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cao hơn cho các ngân hàng so với đầu năm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn thực tế của thị trường. Như vậy, với sự vào cuộc nhanh chóng và chủ động cùng một loạt các giải pháp nhanh, mạnh trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của đại dịch cũng như tiếp sức cho khách hàng phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nới “room” tín dụng nhưng sẽ không hạ chuẩn cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO