(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại thắng mùa xuân năm 1975 cách đây 44 năm đã để lại lịch sử một dấu ấn chói lọi, mãi khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.
|
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta diễn ra trong vòng gần hai tháng (58 ngày đêm, từ ngày 4/3/1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đến ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng), với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, gồm ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẳng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẳng, Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” (1). Từ đó, quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trận quyết chiến lược diễn ra từ ngày 26/4 đến 30/4/1975 đã giành toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn 117 năm của các thế lực thực dân đế quốc xâm lược trên đất nước ta, Tổ quốc ta được độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi mùa Xuân 1975 là do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, độc lập, tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam; khối đoàn kết toàn dân gắn liền với sức mạnh thời đại; chiến lược, thao lược mang tính quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo và nghệ thuật chớp thời cơ.
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập thống nhất đất nước đi lên CNXH. Thắng lợi đó của Cách mạng Việt Nam đã khẳng định vấn đề có tính chân lý, một nước tuy nhỏ nhưng nếu đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh với ý chí quyết tâm cao độ và đồng lòng, sức sáng tạo vô tận, đặc biệt dưới sự lãnh đạo tài ba, đúng đắn và sáng suốt của Đảng sẽ đem đến thắng lợi vang dội.
Chiến thắng 30/4 cũng khẳng định chân lý: “Bất kỳ một quốc gia nào, dù có hùng mạnh đến đâu, nếu dùng bạo lực để áp đặt ý chí của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định thất bại” (2). Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, Hội đồng hòa bình thế giới đã ca ngợi: “Hai tiếng Việt Nam luôn luôn cổ vũ, động viên tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới” (3).
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước ta bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, và đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Xây dựng chế độ mới của dân, do dân và vì dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và biển đảo quốc gia và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
44 năm qua, tinh thần của Đại thắng mùa Xuân đã quy tụ lòng dân và tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Sau 44 năm, từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, từ một đất nước đói nghèo lạc hậu vì chiến tranh kéo dài và hàng trăm năm bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, Việt Nam đã sớm hồi sinh, vươn mình trỗi dậy và tìm ra con đường đi lên đúng đắn, làm nên những bước phát triển diệu kỳ, nhất là sau 32 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 14,8%; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng lên 85,2%. Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh, từ mức trên 60% vào những năm đầu đổi mới xuống dưới mức 7% hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, y tế và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Đầu tư của Nhà nước cho an sinh xã hội ngày càng tăng. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có bước phát triển. Bảo vệ tài nguyên môi trường được chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh được tăng cường theo hướng hiện đại; độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Việt Nam là một người bạn tin cậy với các nước trên thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện các thể chế, chính sách mới liên quan đến những vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra thực tiễn, như các Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương khóa XII về: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”…
Về tổ chức bộ máy, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, quy định về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế, thời gian qua, bên cạnh lãnh đạo đất nước hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, Đảng ta cũng ghi dấu ấn lớn trên “mặt trận” phòng chống tham nhũng, lãng phí, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975, mỗi người Việt Nam hôm nay cần ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hơn 90 triệu người con Việt Nam nhất định sẽ làm tròn sứ mệnh đó như đã từng làm trong thế kỷ XX. Chúng ta quyết tâm làm theo di huấn của ông cha:
“Thái bình nên gắng sức
Non nước vững ngàn thu”.
Chú thích:
(1)- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sđd, Tập IX - Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử, trang 56.
(2)-Bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo khoa học: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 4/2005.
(3)-Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, Nxb Sự thật, H.1977, tr.92, 106, 116, 170, 231, 275, 278, 291, 292.