Sở hữu quỹ đất dồi dào, phủ khắp Hà Nội với nhiều vị trí đắc địa và tiềm lực tài chính khá tốt, thế nhưng kết quả kinh doanh èo uột cùng mức chi trả cổ tức thấp của Công ty CP Hanel (UPCoM: HNE) trong những năm qua khiến cổ đông công ty không thể hài lòng.
Hoạt động kinh doanh kém tích cực
ĐHCĐ thường niên năm 2024 vào cuối tháng 4 vừa qua của Công ty CP Hanel (UPCoM: HNE) đã diễn ra trong sự thất vọng của nhiều cổ đông. Mặc dù sở hữu quỹ đất dồi dào, tại nhiều vị trí đắc địa, song hiệu quả kinh doanh của Hanel lại không cao, mức cổ tức rất thấp các năm vừa qua.
Năm 2023, Hanel đạt doanh thu 423,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 54,6 tỷ đồng (bằng nửa lợi nhuận năm 2019 và bằng 1/4 lợi nhuận năm 2018). Lợi nhuận thấp nên các năm gần đây Hanel chia cổ tức rất thấp, năm 2023 mức cổ tức vỏn vẹn 1,8%. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 457 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng.
Không chỉ có hoạt động kinh doanh kém tích cực, Hanel còn bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến loại trừ.
Tại Báo cáo kiểm toán năm 2023, Công ty TNHH kiểm toán VACO nêu ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khoản nợ phải thu Công ty CP Đầu tư phát triển N&G với số tiền khoảng 92,9 tỷ đồng là khoản nợ tồn đọng từ nhiều năm trước. Công ty kiểm toán cũng nêu cơ sở ý kiến ngoại trừ đối với việc tại ngày 31/12/2023 Hanel chưa đánh giá khả năng có thể thu hồi đối với giá trị chi phí triển khai của Dự án Giải pháp giao thông thông minh trên bản đồ số đang được ghi nhận tại khoản mục “Hàng tồn kho” với số tiền khoảng 7,8 tỷ đồng…
Công ty kiểm toán VACO cũng nhấn mạnh về Thuyết minh số 37.2 trình bày thông tin về việc điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Hanel theo Thông báo số 815/TB-UBND ngày 12/7/2019 của UBND TP. Hà Nội và Thông báo số 320/TB-VP ngày 10/7/2023 về kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Đồng thời, kiểm toán VACO lưu ý thêm về thuyết minh số 38 trình bày thông tin về một số khoản tài sản và công nợ tiềm tàng liên quan đến khoản phải thu tại công ty N&G, Grupo De La Electronica và Cubaelectronica Havana Cuba, giá trị lợi thế kinh doanh thực hiện dự án tại 409 Lĩnh Nam (Hà Nội), giá trị lợi thế thu được từ diện tích 1.350 m2 tại tầng 1, tầng lửng và diện tích 126 m2 của 6 kiot tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 Nam Thành Công và văn phòng làm việc, giao dịch của Hanel tại số 165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội…
Tại ĐHCĐ thường niên, nhiều cổ đông công ty đã chất vấn về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của công ty.
Một cổ đông đã chất vấn về việc Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Vinh và Tổng Giám đốc Bùi Thị Hải Yến chịu trách nhiệm ra sao trong quá trình ký kết các hợp đồng dẫn tới nhiều khoản nợ khó đòi được nhắc tới trong báo cáo tài chính các năm vừa qua và các phòng ban nào tham mưu dẫn tới việc ký kết các hợp đồng đó.
Cổ đông cũng đề nghị công ty công bố giải pháp đối với các khoản nợ khó đòi, thậm chí đặt câu hỏi công ty có khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Vinh và TGĐ Bùi Thị Hải Yến đòi bồi thường cho công ty nếu xác định 2 cá nhân này có phần trách nhiệm trong ký kết các hợp đồng dẫn tới các khoản nợ xấu hay không.
Cổ đông cũng bày tỏ sự không hài lòng trước hiệu quả kinh doanh thấp của Hanel và đề nghị công bố con số cụ thể về doanh thu đối với từng tài sản đất đai, kiot… của công ty hiện nay. Tuy nhiên, chủ tịch đoàn tránh né không giải đáp cụ thể các câu hỏi này của cổ đông.
Quỹ đất "vàng" trải khắp Hà Nội
Hanel hiện có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng, trong đó UBND TP. Hà Nội sở hữu 97,93% vốn. Khi cổ phần hóa, Hanel quản lý và sử dụng quỹ đất rất lớn ở Hà Nội. Ví dụ như hơn 2.600 m2 đất tại số 2 Chùa Bộc đang được Hanel dùng làm trụ sở, lô đất 60 Nguyễn Đức Cảnh có diện tích 6.136 m2 và số 409 Lĩnh Nam có diện tích 4.285 m2.
Hanel cũng nắm giữ lượng khủng đất dự án như khu công nghệ phần mềm Hà Nội, quận Long Biên có diện tích 434.594 m2; dự án xây dựng điểm thông quan nội địa TP. Hà Nội, huyện Gia Lâm có diện tích 192.118 m2; lô 2, E9 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy có diện tích 4.188 m2; khu đô thị Hanel - Alphanam có diện tích 525.300 m2 và một phần dự án số 165 Thái Hà, quận Đống Đa có diện tích trên 1.500 m2.
Đáng chú ý, công ty cũng góp vốn bằng đất 29.500 m2 tại dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn Daeha tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, chiếm 30% vốn trong liên doanh..
Tài liệu ĐHCĐ cho thấy, đối với dự án E9 Phạm Hùng (Cầu Giấy, HN), Hanel đã nộp đặt cọc tiền sử dụng đất 38,9 tỷ đồng, tương đương 60% giá trị tiền sử dụng đất.
UBND TP. Hà Nội đã có Thông báo số 320/TB-VP ngày 10/7/2023 về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy và Thông báo số 390/TB-VP ngày 25/8/2023 của Văn phòng UBND thành phố về nội dung giải quyết những vấn đề tồn tại các dự án khu trụ sở các tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Hiện Hanel đang chờ hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước để có phương án xử lý.
Bên cạnh việc sở hữu quỹ đất dồi dào, phủ khắp TP. Hà Nội với nhiều vị trí đắc địa, tiềm lực tài chính của công ty cũng khá hấp dẫn. Cụ thể, trong nhiều năm liền, hiệu số nguồn vốn - tổng tài sản của công ty luôn đứng trên mức 3.100 tỷ đồng (năm 2016 là 3.123 tỷ đồng, năm 2019 là 3.250 tỷ đồng), trong đó nợ phải trả duy trì ổn định chỉ bằng một nửa so với vốn chủ sở hữu. Điều này phản ánh mức độ "lành mạnh" của doanh nghiệp và còn nhiều dư địa để huy động vốn trong tương lai.
Thế nhưng mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, kể từ khi cổ phần hóa kết quả kinh doanh của Hanel khá thấp, mức cổ tức chỉ loanh quanh dưới 3%/năm.