PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi: Cần nới điều kiện cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ lãi suất 2% (Bài 5)

Tạ Dũng (thực hiện)| 20/09/2022 08:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai nhanh và có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, PGS TS. Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia cho rằng, Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, nới điều kiện cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ lãi suất đang quy định tại các văn bản hiện hành theo hướng đơn giản, trong một chừng mực nhất định phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định...

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia – Nguồn: Bnews/TTXVN

Phóng viên: Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với  lãi suất 2%. Đến nay, qua hơn 3 tháng triển khai, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp những khó khăn, trong đó: doanh nghiệp kêu khó tiếp cận được nguồn vốn vay; còn ngân hàng lại đang kêu vướng mắc nhiều ở vấn đề như: đối tượng được tiếp cận vốn vay, cơ chế, thủ tục triển khai…. Theo bà, đâu là nguyên nhân của những vướng mắc như trên? Để giải quyết cần phải có giải pháp như thế nào, thưa bà?.

PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi: Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đã có một số kết quả bước đầu, nhưng thực sự chưa được như kỳ vọng.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân của những vướng mắc trên:

Thứ nhất, khó khăn của NHTM trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản giải đáp về đối tượng được hỗ trợ lãi suất nhưng các NHTM vẫn rất khó khăn xác định đối tượng thụ hưởng có lĩnh vực kinh doanh đa ngành. Bởi vì, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, có nhóm ngành thuộc mã ngành được hỗ trợ lãi suất, có mã ngành không được hỗ trợ lãi suất, nhưng chứng từ để chứng minh sử dụng vốn vay không bóc tách được theo từng mục đích;

Thứ hai, đối với khách hàng là đối tượng được hỗ trợ lãi suất (một số doanh nghiệp) đôi khi còn có tâm lý e ngại, khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Còn đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM mà chưa đăng ký hộ kinh doanh thì cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ;

Thứ ba, các NHTM cũng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây đến nay vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ. Mặt khác, để triển khai gói hỗ trợ này, các NHTM cần có thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Giải pháp để khắc phục vấn đề này, theo tôi rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN với các bộ, ngành liên quan. Trước hết là rà soát các vướng mắc phát sinh liên quan đến đối tượng thụ hưởng chính sách. Cần rà soát các điều kiện đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản, dễ hiểu, sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình. Công khai, minh bạch về các điều kiện để đối tượng thụ hưởng có điều kiện hoàn tất các thủ tục, giúp các NHTM có đủ căn cứ để thẩm định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất này.

Phóng viên: Theo thống kê từ NHNN, việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đến nay vẫn còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Để đẩy nhanh hoạt động giải ngân gói hỗ trợ lãi suất này, theo bà cần có những giải pháp cụ thể gì từ: Chính phủ, NHNN, các bộ ngành có liên quan và từ chính các đối tượng được thụ hưởng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP?.

PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi: Để đẩy nhanh hoạt động giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo tôi cần phải có sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và đối tượng được thụ hưởng (doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã). Cụ thể:

Chính phủ: Cần chỉ đạo một số bộ/ngành có liên quan rà soát một số điều kiện đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng, cũng như một số quy định đối với việc xét duyệt cho vay của NHTM. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp không thể sản xuất kinh doanh hoặc sản xuất cầm chừng, nên họ gần như không có dòng tiền, không trả được nợ ngân hàng, phải gia hạn nợ, chậm trả lãi là khó tránh khỏi. Trên thực tế, các doanh nghiệp này mới là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID gây ra, rất cần phải được hỗ trợ vốn. Vì thế, Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét nếu cần thiết nên nới điều kiện cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ lãi suất đang quy định tại các văn bản hiện hành theo hướng đơn giản. Trong một chừng mực nào đó phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định, có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ thẩm định, giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng từ chương trình.

Đối với NHNN: Tăng cường công tác thông tin truyền thông, giám sát chặt chẽ các NHTM triển khai gói hỗ trợ lãi suất, để vừa thúc đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa ngăn chặn những hạn chế, tiêu cực như đã từng xảy ra trong đợt hỗ trợ lãi suất năm 2009. Trong quá trình chỉ đạo các NHTM, cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ phía khách hàng, các NHTM, phối hợp chặt chẽ với các bộ có liên quan điều chỉnh những bất cập, để triển khai gói hỗ trợ lãi suất đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.

Đối với Bộ Tài chính, nhanh chóng tìm nguồn để thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 và năm 2023, thanh toán ngay cho các NHTM sau khi đã hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục rà soát đối tượng khách hàng được hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản, thống nhất cách hiểu và sát với thực tiễn kinh doanh của khách hàng.

Đối với NHTM: Hướng dẫn cụ thể khách hàng làm thủ tục hồ sơ vay từ gói hỗ trợ lãi suất. Mặt khác cần rà soát thủ tục, quy trình thẩm định, kết hợp với đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng để giải ngân nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đồng thời, cần vận hành hệ thống tự động để theo dõi hạch toán, quản lý dữ liệu khách hàng vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất, nhằm đảm bảo chính xác của dữ liệu trong công tác thanh quyết toán, kiểm toán sau này.

Đối với đối tượng thụ hưởng: Cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tài chính. Sự rõ ràng, minh bạch, kịp thời về thông tin tài chính, kế toán đối với khách hàng là điều kiện cần thiết và rất quan trọng để NHTM đánh giá thực trạng về năng lực tài chính của khách hàng. Nâng cao năng lực quản lý, quản trị rủi ro; Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Xem tiếp bài 6: Chung tay triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi: Cần nới điều kiện cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ lãi suất 2% (Bài 5)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO