Phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm đời sống người dân

P.V| 31/07/2021 10:29
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã qua 100 ngày. Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; Thường trực Ban Bí thư đã có Điện về công tác phòng chống dịch COVID- 19, Quốc hội đã quan tâm đặc biệt, đồng hành, ủng hộ rất cao cho Chính phủ. Đặc biệt, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số giải pháp cấp bách, biện pháp đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung cao độ trí tuệ, sức lực, tâm huyết, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đóng góp các ý kiến về các giải pháp, nhiệm vụ triển khai các nội dung Quốc hội đã quyết nghị. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích kỹ, làm rõ vì sao cùng một chính sách chung trên toàn quốc nhưng trong một xã thì có tổ, ấp, xóm, thôn làm tốt nhưng có tổ, ấp, xóm, thôn làm chưa tốt; trong một huyện thì có xã, phường làm tốt nhưng có xã, phương làm chưa tốt; trong một tỉnh thì có quận, huyện làm tốt nhưng có quận huyện làm chưa tốt; trên toàn quốc thì có tỉnh, thành phố làm được, có tỉnh, thành phố làm chưa được. Hội nghị phải làm rõ những điều làm tốt và chưa tốt để cùng học tập, cùng rút kinh nghiệm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo về tình hình và kết quả các biện pháp đã triển khai phòng chống dịch bệnh COVID. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo về tình hình dịch bệnh trên thế giới; các giải pháp ứng phó, bài học kinh nghiệm của các nước; công tác triển khai chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn trình bày về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Huy động sự vào cuộc của người dân

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cao và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đồng tình phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để vừa phòng chống dịch, bảo đảm đời sống người dân, nhất là tại những nơi cách ly, phong tỏa, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện. Vừa chủ động sáng tạo thực hiện các giải pháp phù hợp tình hình, vừa tuân thủ các quy định chung của Trung ương, không để ách tắc hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo nhiều địa phương đều cho rằng các địa phương phải tuyên truyền mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để người dân tự giác, tích cực tham gia chống dịch, phát huy trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Bắc Giang vừa kết thúc thực hiện Chỉ thị 19, chuyển sang phòng, chống dịch trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh: Chiến thắng của Bắc Giang trước dịch bệnh là chiến thắng của lòng dân. Người dân vào cuộc, tham gia chống dịch và sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi, sự đồng tình, ủng hộ của người dân cũng lên cao, thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế- xã hội…

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phân tích thêm một số điểm nổi bật trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Dự thảo nêu rõ các biện pháp phòng, chống dịch; các nhiệm vụ về công tác y tế; các nhiệm vụ an ninh trật tự; về cung ứng và lưu thông hàng hóa, giao thông, vận tải; trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm hậu cần; tổ chức, nhân lực, kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch các cấp.

Theo đó, ngoài việc tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hiện đang áp dụng, dự thảo  giao quyền chủ động cho các địa phương áp dụng hoặc áp dụng linh hoạt các Chỉ thị 15, 16 tùy tình hình thực tế. Đồng thời, có các giải pháp chấn chỉnh để thực hiện nghiệm quy định của các Chỉ thị này, khắc phục  các hạn chế như tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Về công tác y tế, ngoài những việc cần tiếp tục triển khai như đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, tìm kiếm nguồn cung vaccine, một nội dung rất quan trọng được dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh là giao Bộ Y tế hướng dẫn với thời hạn nhất định để áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.

Các nhiệm vụ về an ninh trật tự về cơ bản đã có trọng các văn bản hiện hành, dự thảo Nghị quyết yêu cầu, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo sát sao hơn để vừa kiểm soát chặt chẽ tình hình, vừa an lòng dân, an dân, không để người dân hoang mang.

Dự thảo cũng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong cung ứng, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, các sản phẩm thiết yếu, nhấn mạnh yêu cầu chăm lo tốt hơn nữa sức khỏe, đời sống nhân dân. Các tổ COVID-19 phải hoạt động, phối hợp nhịp nhàng hơn với hệ thống chính trị ở cơ sở.

Dự thảo Nghị quyết đã đề cập nhiệm vụ đón người dân trở về từ các vùng dịch và tại hội nghị, các địa phương đã có nhiều góp ý, các cơ quan sẽ tiếp tục bổ sung thêm các nội dung về công tác này.

Một số biện pháp đặc thù về mặt tài chính được thiết kế để các địa phương có thể thực hiện thuận lợi. Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý, Chính phủ đã có Nghị quyết riêng về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và dự kiến sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, các địa phương lưu tâm thêm việc chỉ định thầu để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế theo Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu.

Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine hoặc có thuốc đặc trị. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.

Nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái, trong khi Bộ Y tế đã hướng dẫn xét nghiệm nhanh cũng có thể làm mẫu gộp, tiết kiệm được chi phí và nguồn lực.

Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TP Hồ Chí Minh, nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng  cần có những biện pháp đặc biệt...

Về sản xuất công nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải rất an toàn. Nguyên lý của sản xuất “ba tại chỗ” là vẫn phải giữ giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị lây và có thể cách ly ngay tại chỗ.

Nỗ lực hết sức mình để thực hiện mục tiêu kép

 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến đều thống nhất đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực, trong đó đã đẩy lùi được dịch bệnh ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh… Công tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng. Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai phòng chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại những nơi an toàn về phòng chống dịch, mục tiêu cuối cùng là vì ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Nhờ đó, những thành tích, kết quả đạt được rất đáng kể, rất tích cực, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội ghi nhận. Chính phủ cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cả hệ thống chính trị cùng đồng bào, nhân dân và doanh nghiệp cả nước đã đồng hành với Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, làm tốt công tác đối ngoại, lo an sinh xã hội cho nhân dân khu vực đang bị cách ly, phong tỏa. Chính phủ ghi nhận, biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các tình nguyện viên… đã sát cánh cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương ở miền Nam, miền Trung. Tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp trên thế giới, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.

Thủ tướng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác chống dịch thời gian qua. Trong đó, hạn chế, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện. Các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn nhưng việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ. Vẫn còn có nơi, có lúc có biểu hiện rất lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đã đi qua; mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, lúng túng, bị động, mất kiên trì khi dịch bùng phát. Việc chuẩn bị “4 tại chỗ” chưa tốt, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp thì mất kiểm soát, không có khả năng đáp ứng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết về nguy cơ lây lan, phát triển của dịch, cho nên ý thức chấp hành các quy định, hướng dẫn chưa nghiêm.

Cùng với đó, một số địa phương thực hiện các Chỉ thị 15, 16 còn chưa nghiêm ngặt, có lúc chập chờn, người dân vẫn đi lại, tụ tập, giao lưu, không đeo khẩu trang, trong khi chính quyền lại chủ quan vì đã áp dụng các Chỉ thị, kiểm tra, giám sát, kỷ luật, xử lý vi phạm không nghiêm. Bên cạnh đó, dịch bệnh với biến chủng mới chưa có tiền lệ nên nhiều vấn đề chưa lường hết được.

“Dịch lây giữa người với người, nên chấp hành nghiêm việc giãn cách thì ngăn chặn ngay được sự lây lan”, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh nội dung này.

Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng về kinh tế - xã hội

Về các bài học kinh nghiệm rút ra, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn để điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp. Chính quyền các cấp phải ban hành biện pháp nhất quán, thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả, không chập chờn, không nửa vời, cương quyết giám sát, kiểm tra để thực hiện một cách đồng bộ từ trên xuống dưới, đặc biệt là ở cơ sở. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở để mỗi cơ sở là một pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ chống dịch; chấp hành nghiêm, chấp hành đúng các quy định của các cấp, tuân thủ giãn cách, “ai ở đâu ở đấy”, đồng thời rất linh hoạt để bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho người dân. Khi tình hình đã diễn biến phức tạp, phải phân loại F0 theo tình trạng bệnh, phân tầng điều trị để tập trung lực lượng y tế cứu chữa những người bệnh nặng, giảm tối đa tử vong; không được để thiếu nhân lực và trang thiết bị y tế cần thiết, đặc biệt là oxy y tế và máy thở.

Các ý kiến thống nhất nhận định, tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, đồng bộ các giải pháp tổng thể thì mới có thể kiểm soát được tình hình hiệu quả.

Chúng ta vẫn nhất quán mục tiêu chống dịch hiệu quả với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước để có nguồn lực chống dịch và bảo đảm ấm no, hạnh phúc, an toàn cho người dân. Trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất, “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Theo Thủ tướng, kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa sản xuất đã có tại nhiều địa phương và việc tổ chức sản xuất tốt cũng là một biện pháp cách ly nếu an toàn.

Một mục tiêu khác là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông - Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải xác định cuộc chiến trường kỳ, lâu dài

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 với virus SARS-Cov-2 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị, vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn. Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vaccine cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc. Căn cứ tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiến làm thước đo. Thủ tướng nhắc lại phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vaccine và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.

Các ý kiến cơ bản đồng tình với giải pháp, nhiệm vụ trong dự thảo Nghị quyết và đề xuất thêm một số nội dung, Thủ tướng đề nghị tổ biên tập, các cơ quan liên quan tiếp thu để hoàn chỉnh và nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Trước hết, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các ý kiến, chỉ đạo, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước tổ chức thực hiện, nhân dân là trung tâm, là chủ thể.

Các bộ, các ngành, các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ giải pháp. Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, phải vừa thực hiện, vừa phát hiện các điểm mới, đúc rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, bổ sung, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Việc phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương đã được nêu rất rõ trong các văn bản, phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đúng quy định, đã làm phải cương quyết, không chập chờn, không nương tay, làm đến nơi đến chốn, làm việc nào ra việc đấy, có trọng tâm trọng điểm.

Khi thực hiện cách ly, giãn cách, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kém số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Thay đổi chính sách ưu tiên về vaccine

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vacine. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ COVID-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn.

Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vaccine, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vaccine, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vaccine và thời gian. Rút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vaccine trong nước để có thể làm chủ trong vấn đề này. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.

Đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao, bổ sung trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề, năng lực cho các cán bộ y tế từ các chuyên khoa khác để tăng cường nhân lực cho công tác hồi sức cấp cứu. Động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên để sức chiến đấu lâu dài.

Tiếp tục nghiên cứu việc hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có khu công nghiệp nói riêng, người bị mất thu nhập nói chung trên cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm. 

Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các công nghệ và hướng dẫn ứng dụng công nghệ để góp phần phòng chống dịch. Thủ tướng tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông theo nguyên tắc công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Bộ Tài chính phân bổ thêm ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nguồn lực trên cơ sở cân đối ngân sách và tiết kiệm.

“Chúng ta chống dịch trong điều kiện của một đất nước đang phát triển với những đặc thù riêng, do đó phải cân đối nguồn lực, có các giải pháp phù hợp, huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chung lòng, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân, sự cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo. Phải tổng hòa các biện pháp về chống dịch, an sinh xã hội, huy động nguồn lực cả về tinh thần và vật chất”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cùng với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3, Nghị quyết của Quốc hội, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện các giải pháp cấp bách về phòng chống dịch sẽ tạo sự đồng bộ, nhất quán về lãnh đạo, chỉ đạo trong cả hệ thống chính trị để các cấp, các ngành triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhân dân và doanh nghiệp cả nước theo tinh thần “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất với cương vị, thẩm quyền được giao, chủ động, linh hoạt, làm hết sức mình để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm đời sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO