(thitruongtaichinhtiente.vn) - Là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam (Nam Bộ) ngày 6/5, tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, trước hết là về GDP. Vùng KTTĐ phía nam là vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, nhất là liên kết được mạng lưới các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đây là vùng duy nhất của cả nước hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp, dịch vụ để có thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững. Hội nghị cần thảo luận các giải pháp thực hiện trong thời gian tới cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho vùng bứt phá hơn nữa.
Nêu kiến nghị tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ phía nam cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai TPHCM, hệ thống cảng - logistics.
Một số ý kiến tại Hội nghị cũng tập trung vào việc cần phát triển các tuyến giao thông kết nối vùng như xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển hàng hóa cho cả vùng… Các địa phương trong vùng cần chọn các chương trình liên kết và ký kết thỏa thuận hợp tác, đóng góp kinh phí để triển khai như dự án xây dựng đường giao thông; cần có cơ chế phân công hợp tác trong vùng, cùng ngồi lại với nhau để thống nhất các dự án nào cần ưu tiên đầu tư trước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các đại biểu để soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng KTTĐ phía nam, làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng. Là một vùng kinh tế động lực, nhưng chỉ số PCI, PAPI trong những năm gần đây chưa cao, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, đang là rào cản, cản trở sự phát triển của vùng. Kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, chất lượng phát triển đô thị còn thấp; bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng còn chưa được hoàn thiện, thiếu đột phá. Còn thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", dẫn tới không thể liên kết mạnh mẽ được, công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế. Hình thức cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ Nam Bộ vẫn mang nặng tính tự phát và chỉ dừng lại ở mức cam kết các thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương; công việc triển khai mang tính toàn vùng còn ít. Sự phát triển lớn mạnh của vùng là do nỗ lực của các tỉnh, thành phố chứ không phải do việc thành lập vùng mà có.
Thủ tướng nêu rõ, muốn vùng KTTĐ phía nam phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính. Vùng KTTĐ phía nam phải có cơ chế chính sách hoạt động đặc thù cho toàn vùng để bảo đảm sự phát triển thuận lợi, thực hiện sứ mệnh đầu tàu dẫn dắt các vùng kinh tế khác.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong vùng phải rà lại, chỉ đạo quyết liệt từng chỉ tiêu, có biện pháp đồng bộ để bố trí đội ngũ cán bộ xứng tầm trong triển khai thực hiện, nhất là những mũi quan trọng. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu KT-XH cho vùng phục vụ cho công tác dự báo và phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu đô thị để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển KT-XH và tạo thuận lợi nhất cho người dân. Tạo điều kiện về không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn; bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác. Tôn vinh các dự án và lên án đấu tranh đối với các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh; tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm cho môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
Đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và cơ cấu ngành hợp lý. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.
Kiểm soát hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng nước; xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại tại các đô thị, các khu công nghiệp.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các hạng mục dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được giao. Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu trong năm 2020 phải khởi công công trình này.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng bảo đảm chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch.
Đối với Bộ Tài chính, xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ phía nam. Cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương bảo đảm tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh, thành phố trong vùng đối với ngân sách Trung ương, tạo nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Xem xét việc cho các địa phương sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để giải phóng mặt bằng xây dựng các khu đô thị ven biển theo đúng quy định pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng KT-XH, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng (các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối các cảng biển và hành lang vận tải quốc tế). Phối hợp với các địa phương kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức PPP, tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng. Kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với phát triển đô thị bảo đảm công khai, minh bạch để tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Đối với Bộ Công Thương, ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics vùng KTTĐ phía nam là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ.
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.