Nhà ở xã hội được coi là “cứu cánh” cho mơ ước có nhà của rất nhiều người. Tuy nhiên, để phát triển nhà ở xã hội, còn một số khó khăn, vướng mắc.... Trong đó, vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất...
Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức chiều ngày 17/4.
Cả nước đang triển khai 499 dự án nhà ở xã hội với quy mô 411.000 căn hộ
Nói về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương rất quan tâm. Mới đây, Quốc hội đã thông qua một số dự án luật, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng…, với nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Sau khi Quốc hội thông qua các bộ luật, các bộ, ngành đã tích cực triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của những bộ luật này.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, chính sách phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có nhiều lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy phát triển, tháo gỡ vướng mắc. Các địa phương cũng đã rất tích cực vào cuộc. Thủ tướng đã ký ban hành Đề án về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến năm 2030. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội. Đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân hiện nay.
Triển khai chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600 ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, về kết quả đầu tư nhà ở xã hội, trên cả nước đang triển khai 499 dự án, quy mô 411.000 căn hộ. Kết quả này cho thấy hiệu quả bước đầu của sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương.
Doanh nghiệp cần đất, còn tiền nên ưu tiên cho người mua vay
Cùng với những kết quả đã đạt được, việc triển khai phát triển nhà ở xã hội cũng đang gặp một số khó khăn. Theo các chuyên gia, có 2 vướng mắc chính khiến việc phát triển nhà ở xã hội gặp khó là quỹ đất và nguồn vốn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, đầu tiên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong tiếp cận quỹ đất. Thứ hai là doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng nguồn vốn là vấn đề then chốt. Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Bộ Xây dựng kiến nghị lên Chính phủ trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước trung hạn 2021- 2225 và 2026- 2030 có nguồn vốn tái cấp vốn, bù lãi suất, để người mua vay với lãi suất 4,8%, thời hạn vay 25 năm. Chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình lại nhấn mạnh rằng vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. “Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người ta đã xếp hàng mua rồi”, ông Nguyễn Hữu Đường nói.
Về đề xuất để chủ đầu tư và người mua nhà vay lãi suất 4,8%, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không thể bắt ngân hàng cho vay 4,8% khi họ đi vay bên khác với lãi suất trên 5%.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Hữu Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
“Làm nhà ở xã hội phải phù hợp, chứ không thể ở Hà Nội làm ở Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở”, ông Nguyễn Hữu Đường nhấn mạnh và cho biết doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Quốc hội làm sao để UBND TP. Hà Nội phải công bố quỹ đất làm nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đã trao đổi với các địa phương để thực hiện một số giải pháp gồm: quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội rõ ràng, ưu tiên dành các quỹ đất ở các vị trí thuận lợi, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để ưu tiên đầu tư; tránh dành quỹ đất ở khu vực xa, khu vực chưa giải phóng mặt bằng; Bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất làm nhà ở cho công nhân; Chủ động bố trí giải phóng mặt bằng và đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà ở xã hội; Khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội; Các khu vực đã phê duyệt chủ trương đầu tư cần khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư xây dựng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương có giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục, chi phí, thủ tục đầu tư.
Với các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm tham gia đầu tư; tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án đã, đang và sắp triển khai; thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo chất lượng các dự án nhà ở xã hội, đảm bảo các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, tương đương như nhà ở thương mại; có mức giá phù hợp với nhu cầu của người dân.
“Bộ mong muốn lắng nghe các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho nhà ở xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trong thời gian tới”, ông Sinh nói.