Những mảnh đời, những giấc mơ được ươm mầm, lớn lên từ nguồn vốn chính sách chính là những hình ảnh đẹp, sinh động nhất về vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hậu Giang trong hành trình phát triển bền vững của địa phương.
Những năm qua, NHCSXH chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang chia sẻ, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn chính sách, ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND cấp xã tập trung triển khai, rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Kết quả rà soát nhu cầu vay vốn năm 2025 là 619 tỷ đồng, tăng 13,92% so với năm 2024.
NHCSXH tỉnh, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2025, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân.
Điểm đáng chú ý, đối với chương trình tín dụng hộ nghèo, dư nợ thực hiện đến cuối tháng 4/2025 đạt hơn 263 tỷ đồng, với 6.392 hộ còn dư nợ. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho hơn 600 lượt hộ nghèo vay vốn về sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn giải ngân trong năm 2025, NHCSXH tỉnh đảm bảo 100% hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh đều được hỗ trợ nguồn vốn vay để đưa vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, giúp các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Hiện nguồn vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội đã được phân bổ theo kế hoạch của NHCSXH tỉnh đã xây dựng với tổng số tiền 70 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, chủ yếu giải ngân cho vay để xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở số tiền hơn 13 tỷ đồng, với 32 lượt khách hàng vay vốn, nâng tổng dư nợ đến nay đạt 231 tỷ đồng.
Mặc dù chương trình cho vay nhà ở xã hội đã được ngân hàng phối hợp cùng hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhưng trong quá trình giải ngân gặp một vài khó khăn.
Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc vào tiến độ của chủ đầu tư chưa mở bán nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân của chi nhánh. Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập tỉnh nên một số cán bộ công chức, viên chức đăng ký nhu cầu vay vốn từ đầu năm nay chuyển công tác sang đơn vị hành chính mới không làm nhà hoặc bán nhà chuyển đến nơi công tác mới nên đã trả nợ trước hạn, cũng đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân.
Còn đối với cho vay các hợp tác xã, do công tác sắp xếp, sáp nhập các sở, ban ngành của tỉnh nên một số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ và quản lý hợp tác xã thay đổi, phải thực hiện thủ tục kiện toàn thành viên hội đồng, cũng như việc xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc tiếp tục thực hiện giải ngân nên đã ảnh hưởng đến việc giải ngân.
Ông Nguyễn Minh Vương cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân chương trình tín dụng (cho vay nhà ở xã hội và cho vay hợp tác xã) NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn về việc giải ngân, đồng thời tích cực phối hợp với hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương các cấp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình cho vay.
Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng, cán bộ hội đoàn thể để nâng cao trình độ, kỹ năng trong công tác, cũng như công tác ủy thác nhằm giải quyết công việc cho khách hàng được nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, chi nhánh tiếp tục phối hợp với hội đoàn thể nhận ủy thác nhằm thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra, quản lý và sử dụng vốn của NHCSXH, không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của NHCSXH.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Vương cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về vai trò của tín dụng chính sách. Đặc biệt, chú trọng các nội dung trong Chỉ thị 39-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với đó, nâng cao năng lực đội ngũ, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tín dụng để mang lại dịch vụ nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả hơn cho người dân".
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh Hậu Giang cũng đang chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Có thể nói, tín dụng chính sách vừa là một giải pháp tài chính, vừa là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phát triển con người, tạo động lực vươn lên, xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững. Với sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, Chỉ thị 39-CT/TW chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng đưa Hậu Giang ngày càng phát triển.