(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhận định những tồn tại, hạn chế của tiểu vùng Bắc Trung bộ, đại diện các địa phương thẳng thắn khi đồng tình cho rằng đó là tư tưởng cục bộ địa phương, “mạnh ai người nấy làm”, “không ai chịu liên kết với ai”... Xây dựng thể chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay để phát huy tối đa lợi thế vùng ...
Trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm ""Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới" |
Địa bàn đặc biệt quan trọng...
Phát biểu tại Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới" nhằm tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW) và Kết luận 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức hôm 12/8, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, tiểu vùng Bắc Trung bộ (gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) là địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh, nằm trọn vẹn trong phạm vi quản lý của Quân khu 4 (diện tích 5,2 triệu ha 10% cả nước; dân số gần 10 triệu người).
Các tỉnh trong vùng đều có đặc điểm chung là phía Tây giáp dãy Trường Sơn và nước bạn Lào, phía Đông giáp Biển Đông; địa hình kéo dài, phân định phức tạp, đa dạng (vùng núi, trung du, đồng bằng, vùng cát ven biển); thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động. Từ thực tiễn cấu trúc địa hình, phân bổ dân cư các tỉnh, Nghị quyết 39-NQ/TW đã định hướng hình thành một số khu vực kinh tế quan trọng trong tiểu vùng như: thành phố Thanh Hóa; khu Nam Thanh - Bắc Nghệ; Vinh - Bắc Hà Tĩnh gắn với đường 7, đường 8 và cửa khẩu Cầu Treo; Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh gắn với khu công nghiệp Vũng Áng, cảng Hòn La, khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng với đường 12A và cửa khẩu Cha Lo, Đông Hà - Quảng Trị gắn với đường 9 và khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo.
Tiểu vùng Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng to lớn, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển như: Kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với các khu đô thị ven biển; tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo...; cùng với địa danh cách mạng, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu sẽ là tiền đề quan trọng để các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Phân tích thêm lợi thê của vùng Bắc Trung bộ, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho biêt, 5 tỉnh vùng Bắc Trung bộ có 97 đô thị (02 đô thị loại I, 02 đô thị loại II, 05 đô thị loại III, 10 đô thị loại IV và 78 đô thị loại V) và hệ thống các đô thị ven biển của tiểu vùng có những điều kiện thuận lợi về kết nối không chỉ với các đô thị trong vùng mà còn với toàn quốc và quốc tế, như: Tuyến Quốc lộ 1A đi qua 28 đô thị của 5 tỉnh tiểu vùng Bắc Trung Bộ; Có 2 sân bay đang hoạt động (sân bay Vinh và sân bay Đồng Hới) và 1 sân bay Quảng Trị đang được chuẩn bị thủ tục triển khai đầu tư; Có nhiều cảng biển có điều kiện thuận lợi kết nối nội địa và quốc tế như cảng biển nước sâu Khu Kinh tế Nghị Sơn (Thanh Hóa), Cảng biển nước sâu Cửa Lò (Nghệ An), Cảng Sơn Dương - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cảng biển Mỹ Thủy (Quảng Trị)’ Có có rất nhiều cửa khẩu biên giới giữa Việt - Lào: Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị)… là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mêkông mở rộng. ...
Chưa đạt được mục tiêu...
Đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định, sau gần 20 năm thực hiện, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong tiểu vùng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25- KL/TW; Vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn để triển khai thực hiện; nhờ đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã nhận thức ngày càng rõ hơn vệ trí, vai trò tầm quan trọng của tiểu vùng; tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng cũng đã có nhiểu đổi mới; tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả.
Đảng bộ và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực vươn lên, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, về nuồn lực con người để phát triển. Nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng được dần đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Hệ thống đô thị hình thành, phát triển. Các khu du lịch ven biển, sinh thái, chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn. Một số vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung, có sản lượng lớn phục vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu. Văn hóa - xã hội có bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Giáo dục - đào tạo, y tế phát triển nhanh. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân tiểu vùng từng bước được cải thiện.
“Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tiểu vùng Bắc Trung Bộ chưa đạt được các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra trong Quyết định 1114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, năng lực canh tranh chưa cao. Mặc dù nhiều công trình, dự án đã huy động đầu tư từ ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng do xuất phát của nền kinh tế thấp, chưa phát huy hết lợi thế cạnh tranh, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn nên nguồn lực đầu tư xây dựng và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng chưa đáp ứng đủ và kịp thời cho các mục tiêu phát triển đề ra..”- Phó Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Xây dựng cơ chế liên kết
Phân tích nguyên nhân của các tổn tại, hạn chế, đại diện Bộ KH&ĐT đã chỉ ra điểm yếu của vùng kinh tế này là vẫn tồn tại tư duy “nhiệm kỳ” và “lợi ích cục bộ giữa các địa phương”: Một số chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng còn dàn trải trong phân bổ nguồn lực, phân tán nguồn vốn ngân sách để phát triển các hạ tầng mang tính liên tỉnh, liên vùng nên đã gây lãng phí nguồn lực, không tạo ra hiệu ứng đáng kể cho sự tăng trưởng của vùng và không tạo ra nhu cầu buộc các địa phương liên kết, phối hợp với nhau.
Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích của các địa phương tham gia liên kết: Các địa phương trong vùng gặp khó khăn trong việc phối hợp và “chia sẻ” ngân sách địa phương cấp tỉnh, cơ chế phân chia lợi ích, các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng. Điều này cũng dẫn tới khó khăn trong việc xây dựng đồng thuận để thực hiện các vấn đề liên kết cụ thể.
Tại phiên trao đổi, đối thoại chính sách, hầu hết đại diện lãnh đạo 5 tỉnh đều thừa nhận: Các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn; Thiếu cơ chế điều phối tiểu vùng và vùng hiệu quả với đủ thẩm quyền và nguồn lực; Những hạn chế trong phát triển và liên kết tiểu vùng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ quan vẫn là chủ yếu, có liên quan đến sự thống nhất trong nhận thức. Thậm chí có những vấn đề được xem như “lực cản” và khó chạm đến đó là tư tưởng cục bộ địa phương, “mạnh ai người nấy làm”, “không ai chịu liên kết với ai” cũng đã được đại diện các địa phương thẳng thắn đưa ra, phân tích, mong muốn tìm ra hướng liên kết mới.
Đồng thời, các ý kiến phát biểu cũng đã đưa ra một số gợi ý nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tiểu vùng trong thời gian tới, đó là: Tạo thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức về sự cần thiết và tầm quan trọng của liên kết vùng, tiểu vùng; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng, tiểu vùng như kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ: cao tốc phía đông, đường ven biển; cảng biển, sân bay); phát triển chuỗi đô thị ven biển; Xây dựng thể chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng đủ mạnh, có đủ thẩm quyền và nguồn lực; Các lĩnh vực liên kết bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin trong tiểu vùng và vùng...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết các Nghị quyết 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và chủ trương sẽ ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng để phát huy được được các tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Nghị quyết mới về các vùng cũng là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách mới và bổ sung nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng và các địa phương trong vùng thời gian tới. Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới” là Toạ đàm thứ 3 được tổ chức trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Những đề xuất tại Tọa đàm sẽ được đưa vào Báo cáo Tổng kết của Đề án và dự thảo Nghị quyết mới về vùng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tháng 9/2022. |