Hoạt động ngân hàng

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Tín dụng tăng 6,92% trong 9 tháng năm 2023

Minh Đức 04/10/2023 16:22

Với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước, đến ngày 29/9/2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

7f1ba9704aa09efec7b1(2).jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ra chiều ngày 4/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất; giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu… tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Phó Thống đốc nhận định, là đất nước có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, thời gian qua, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; NHNN đã tổ chức 12 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; tổ chức các hội thảo khoa học tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

“Với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến: Tháng sau cao hơn tháng trước, đến ngày 29/9/2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Mặc dù vậy tín dụng vẫn còn tăng chậm hơn năm ngoái, điều này do rất nhiều nguyên nhân rất cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp”, Phó Thống đốc cho biết thêm.

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt kết quả tốt, tăng 26,8% so với cùng kỳ; Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng tích cực hơn (tăng 3,68% so với cùng kỳ), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; thu hút đầu tư FDI toàn tỉnh đạt tổng vốn đăng ký 171 triệu USD với 27 dự án FDI cấp mới.

Về hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã giúp cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của tỉnh là 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).

Vì những lý do trên, Phó Thống đốc cho biết, Hội nghị nhằm lắng nghe và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng, từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Nhấn mạnh tinh thần cùng đồng hành chia sẻ, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đề nghị các đại biểu tham dự tập trung trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn để cùng phân tích các nguyên nhân tiếp cận tín dụng còn gặp những khó khăn cũng như tìm ra những giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, Phó Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, nhu cầu và tiếp cận tín dụng; cũng như các ý kiến trao đổi từ phía các TCTD nhằm giải đáp vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp cũng như về tình hình hoạt động của TCTD trên địa bàn... Để cùng đánh giá đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Tín dụng tăng 6,92% trong 9 tháng năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO