(thitruongtaichinhtiente.vn) - Công tác quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đại Hội nghị |
Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị "Người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do NHNN quản lý" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 26/4. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có các Phó Thống đốc NHNN, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị NHNN có liên quan, các đồng chí đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do NHNN quản lý, Ban kiểm soát tại 12 doanh nghiệp, TCTD thuộc ngành Ngân hàng có vốn của nhà nước.
Các báo cáo trình bày tại Hội nghị về tình hình thực hiện quyền, trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Người đại diện tại các doanh nghiệp do NHNN quản lý đã nêu rõ: Theo quy định tại Luật NHNN năm 2010, NHNN được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 12 doanh nghiệp, TCTD (doanh nghiệp). Để thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu, NHNN đã cử Người đại diện vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp này.
Trong năm 2021, căn cứ các văn bản pháp luật mới ban hành về quản lý, giám sát của chủ sở hữu vốn nhà nước và quản lý Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở rà soát, đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Quy chế người đại diện vốn nhà nước, Thống đốc NHNN đã ban hành Quy chế về Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-NHNN ngày 20/9/2021.
Quy chế này quy định về việc thực hiện quyền, trách nhiệm của Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do NHNN quản lý; việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp; việc cử, cử lại, cho thôi đại diện Người đại diện phần vốn nhà nước; cơ chế hoạt động, chế độ báo cáo, xin ý kiến của Người đại diện; cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với Người đại diện; việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc NHNN trong việc tham mưu giúp Thống đốc NHNN tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm của NHNN với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị đã làm rõ những nội dung công việc, kết quả đã đạt được trong thời gian qua và những khó khăn, vướng mắc cần được xử lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và hoạt động của Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Đảng, nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Triển khai thực hiện công tác này, Ban Lãnh đạo NHNN đã quan tâm ban hành đầy đủ hệ thống cơ chế, chính sách và thường xuyên chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước, các Vụ, Cục có liên quan triển khai thực hiện.
Thời gian qua, công tác quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành. Nhờ đó, vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thuộc ngành Ngân hàng được bảo toàn và đạt hiệu quả cao. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng được nâng cao, đóng góp vào thành tích chung của ngành Ngân hàng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thuộc ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị, cá nhân phải thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 1500/QĐ-NHNHN và quy định của pháp luật hiện hành, trong đó lưu ý những công việc sau:
Đối với Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp: Tuân thủ quy định của pháp luật và quyết định của NHNN; chịu trách nhiệm trước pháp luật và NHNN về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đề nghị NHNN quyết định phê duyệt hoặc có ý kiến đối với các nội dung phải xin ý kiến NHNN và tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định, thực hiện theo đúng ý kiến được NHNN chỉ đạo bằng văn bản; Chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phối hợp với Ban Kiểm soát tại doanh nghiệp để giám sát tình hình tài chính và các vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo khác theo yêu cầu của NHNN; Chịu trách nhiệm trước NHNN trong quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, giám sát đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nhiệm vụ được phân công.
Người đại diện phần vốn nhà nước: Chủ động theo dõi, giám sát tình hình, kết quả hoạt động tài chính tại doanh nghiệp được cử làm đại diện theo quy định của pháp luật, Điều lệ doanh nghiệp;
Báo cáo, trình NHNN xem xét, có ý kiến trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định đối với các nội dung đã được quy định phải xin ý kiến và thực hiện tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định theo đúng ý kiến được NHNN chỉ đạo bằng văn bản, đồng thời giám sát tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo của NHNN;
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, giám sát đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nhiệm vụ được phân công.
Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo bất thường và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của NHNN.
Đối với các Vụ, Cục NHNN: Các đơn vị được phân công thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, tập trung vào nội dung giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính doanh nghiệp, giám sát vốn doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; các nội dung giám sát tài chính theo quy định tại Nghị định 93/2017/NĐ-CP…