Hoạt động ngân hàng

“Lực đẩy” mới gia tăng cho vay ưu đãi lâm, thủy sản

ThS. Trần Trọng Triết 27/03/2025 - 14:31

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 1545/NHNN-TD, nâng quy mô gói vay ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm, thủy sản từ mức 60.000 tỷ đồng lên mức 100.000 tỷ đồng; đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng ưu đãi đối với tất cả lĩnh vực nông - lâm, thủy sản.

agribank-giai-ngan-von-tin-dung-cho-khach-hang..jpg
Ảnh minh họa

Xuất khẩu gỗ và thủy sản vẫn tích cực

Trong Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD năm 2025. Đồng thời, trên 90% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2025 đạt kim ngạch 2,52 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng 11,7% và 9,8%.

Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2025 vẫn được dự báo tích cực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 18 tỷ USD xuất khẩu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. Hiện nay, hạn chế của ngành gỗ Việt Nam là nội lực và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, những chính sách thuế quan từ thị trường nhập khẩu cũng sẽ là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực hóa giải và vượt qua.

Còn số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy, luỹ kế 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,423 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 23,3%, 15,5% và 13,8%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng tới 80,8%.

Kết quả trên có một phần đóng góp của ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ưu đãi chương trình lâm, thủy sản theo Chỉ thị 05/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Lực đẩy” mới gia tăng tín dụng ưu đãi lâm, thủy sản

Xác định xuất khẩu là 1 trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, xuất khẩu nông - lâm thủy sản là “lực đẩy” góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 1545/NHNN-TD, nâng quy mô gói vay ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm, thủy sản từ mức 60.000 tỷ đồng lên mức 100.000 tỷ đồng; đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng ưu đãi đối với tất cả lĩnh vực nông - lâm, thủy sản.

Theo đó, gói tín dụng lâm, thủy sản ưu đãi lãi suất (lãi suất cho vay thấp hơn 1-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn) được hệ thống ngân hàng triển khai cho vay nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đáng chú ý, từ khi bắt đầu triển khai (tháng 8/2024) gói tín dụng lâm, thủy sản đã được ngành Ngân hàng nâng hạn mức từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, rồi lên 60.000 tỷ đồng. Hiện cả nước có 15 ngân hàng thương mại tham gia cho vay theo gói ưu đãi này. Đến đầu tháng 2/2025 doanh số giải ngân lũy kế đã gần 60.200 tỷ đồng với gần 13.400 lượt khách hàng doanh nghiệp tiếp cận được vay vốn, vượt mục tiêu 100% doanh số cam kết triển khai chương trình.

Đặc biệt, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long hệ thống ngân hàng đã thúc đẩy mở rộng gia tăng dư nợ cho vay chương trình này.

Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau) chia sẻ, gói tín dụng lâm thủy sản đã được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tham gia tích cực, với doanh số giải ngân cho vay đạt khoảng hơn 12.500 tỷ đồng, với trên 2.200 lượt khách hàng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 13 (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh) cho biết, gói vay này cũng đã được các ngân hàng thương mại giải ngân cho vay khoảng 1.660 tỷ đồng, với hơn 200 khách hàng tiếp cận được nguồn vốn.

Gói tín dụng cho lĩnh vực lâm, thủy sản có kết quả giải ngân tốt là do cơ chế triển khai khá đồng bộ. Không chỉ được ưu đãi giảm lãi suất 1-2%/năm, các doanh nghiệp có nhu cầu vốn đều dễ dàng tiếp cận; hoàn thiện hồ sơ và được các chi nhánh ngân hàng giải ngân nhanh chóng.

untitled-1.jpg

Xét quy mô cả nước, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã và đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất từ 2,6 - 3,5%/năm cho lĩnh vực nông nghiệp, như: chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng ưu đãi dành cho khách hàng xuất nhập khẩu vay vốn lưu động để thu mua nguyên liệu (lãi suất vay chỉ từ 2,6% đối với kỳ hạn dưới 3 tháng).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế đạt hai chữ số.

Số liệu thống kê từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện dư nợ cho vay lĩnh vực tín dụng ưu đãi lãi suất theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP trên địa bàn cả nước ở mức gần 3,7 triệu tỷ đồng (đến cuối tháng 1/2025), chiếm 23,56% tổng dư nợ nền kinh tế. Hầu hết các khoản vay đều đến từ các chương trình ưu đãi 1-2% lãi suất/năm.

Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực nhận được ưu tiên, ưu đãi nhiều nhất về hạn mức tín dụng cũng như lãi suất cho vay. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tín dụng ưu đãi lãi suất theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP hiện đang là một trong những mảng tín dụng có tốc độ tăng trưởng mạnh. Cụ thể, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt hơn 70.200 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh là 216.400 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay ưu đãi lãi suất đối với nông nghiệp, nông thôn theo chương trình cho vay ưu tiên.

Hiện, ngành Ngân hàng đã nâng hạn mức gói tín dụng cho lâm, thuỷ sản lên mức 100.000 tỷ đồng sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhóm ngành này tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Đồng thời việc ngân hàng mở rộng cho vay đối với tất cả các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản cũng sẽ tạo điều kiện để lan tỏa chính sách ưu đãi lãi suất, giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã có nhiều cơ hội tiếp cận vốn lưu động giá rẻ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến nguyên liệu xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương.

Năm 2025 tỉnh Bến Tre sẽ phát triển nhiều đề án lớn như mở rộng 700ha dừa hữu cơ kết hợp với mô hình nuôi xen tôm càng xanh; đầu tư thêm 100ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao… Vì thế, việc hệ thống ngân hàng mở rộng ưu đãi cho vay sẽ là động lực hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình doanh nghiệp lớn, đầu tàu dẫn dắt các ngành nghề địa phương có thế mạnh.

Trong khi đó, đại diện một số hợp tác xã nông nghiệp tại Tiền Giang, Long An cho rằng, đến hiện nay, các ưu đãi về lãi suất cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn đã khá phổ biến ở nhiều ngân hàng. Thời gian qua, việc tiếp cận vốn vay cũng đã được các ngân hàng đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục. Đặc biệt cùng với việc giảm lãi suất các khoản vay mới, nhiều ngân hàng đã hỗ trợ giãn hoãn thời gian trả nợ các khoản vay cũ. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp hàng nghìn doanh nghiệp lĩnh vực tam nông phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lực đẩy” mới gia tăng cho vay ưu đãi lâm, thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO