(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Kế hoạch được triển khai căn cứ Nghị quyết số 76/2019/QH14 ngày 10/6/2019 về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Kế hoạch số 441/KH-UBTVQH14 ngày 18/9/2019 về triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020. Theo đó, kế hoạch triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII nêu rõ mục đích của giám sát nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đối với các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chưa được xem xét, giám sát lại). Hoạt động giám sát cũng hướng đến việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc và có những điều chỉnh phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Giám sát cũng làm cơ sở ban hành nghị quyết chung để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục xem xét, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII…
Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội được phân công thẩm tra cần đánh giá đầy đủ, bảo đảm trung thực, minh bạch, khách quan; báo cáo thẩm tra cần chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những chuyển biến sau khi nghị quyết của Quốc hội ban hành; trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan; những yêu cầu tiếp tục triển khai trong nhiệm kỳ khóa XV.
Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thẩm tra nội dung của từng nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, đối với nghị quyết về giám sát chuyên đề, giao cơ quan của Quốc hội đã chủ trì về nội dung chuyên đề giám sát tiếp tục chủ trì, tổ chức thẩm tra báo cáo của các cơ quan trong việc thực hiện các nghị quyết. Đối với nghị quyết về chất vấn, giao các cơ quan của Quốc hội thẩm tra từng nội dung cụ thể của nghị quyết theo lĩnh vực phụ trách.
Quốc hội yêu cầu, chậm nhất là ngày 15/7/2020, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện báo cáo và gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, xây dựng báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, chậm nhất là ngày 15/8/2020 phải gửi báo cáo thẩm tra đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội để xây dựng báo cáo tổng hợp.
Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại phiên họp tháng 9 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Dự kiến tại phiên họp tháng 9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Tổng Thư ký Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và chất vấn những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết của Quốc hội từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.