Công ty TNHH RiceGrower Việt Nam (SunRice) vừa mới nhận thầu lô gạo 80.000 tấn với Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) Indonesia, giá trên 600 USD/tấn, thời gian giao hàng vụ lúa Thu Đông 2023.
Người đứng đầu Cơ quan Lương thực Nhà nước (Bapanas) Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi vừa thông báo, Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) đã đảm bảo 1,6 triệu tấn gạo cho kho dự trữ gạo của chính phủ.
“Số gạo này sẽ được sử dụng cho các chương trình hỗ trợ lương thực và bình ổn giá cả”, ông Arief Prasetyo Adi đã cho biết.
Indonesia gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn
Theo Khảo sát các Khu vực (KSA) của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), sản lượng gạo từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ đến từ mùa trồng Gadu (Gadu dùng để chỉ mùa trồng lúa thứ hai, thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 6 khi thời tiết nóng hơn và khô hơn), trong đó cán cân sản xuất-tiêu thụ hàng tháng dự kiến sẽ bị thâm hụt.
“Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị tốt lượng lương thực dự trữ này ngay từ đầu để dự đoán mức thâm hụt hàng tháng từ cuối năm 2023 đến năm 2024”, ông Adi cho biết thêm.
Vừa qua, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn, thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác và Bulog tiếp tục được chỉ định là đầu mối nhập khẩu.
Indonesia là một trong 3 thị trường truyền thống xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam ở Đông Nam Á. Sau 3 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, năm 2022 Indonesia đã nhập khẩu 500.000 tấn, năm 2023 dự kiến là 2,4 triệu tấn.
Nhận định về thị trường gạo xuất khẩu hiện nay, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Trung Quốc vẫn cao. Bất cứ mặt hàng nào khi nhu cầu tăng thì giá xuất khẩu sẽ tăng. Trong bối cảnh thị trường gạo nhiều biến động như hiện nay, khi có thông tin doanh nghiệp trong nước trúng thầu gạo Indonesia sẽ là yếu tố kích thích giá gạo thị trường trong nước tăng lên, càng khiến thị trường thêm bất ổn. Để giảm thiểu rủi ro, xu hướng của các doanh nghiệp bây giờ là nên “mua đâu bán đó”.
Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ vì kinh doanh theo kiểu “bán thấp, mua cao”
Theo vị đại diện doanh nghiệp trên, điều quan trọng bây giờ là muốn bán phải có chân hàng trong kho, nhưng không phải doanh nghiệp cũng có chân hàng. Vì vậy, có những doanh nghiệp bán trước mua sau, nên dễ gặp trường hợp ký hợp đồng xong gạo trong nước nhảy giá, doanh nghiệp buộc mua vào giá cao dẫn đến thua lỗ. Thời gian qua đã có khá nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ vì kinh doanh theo kiểu “bán thấp, mua cao”.
“Kinh doanh gạo trong lúc thị trường bất ổn như hiện nay thì rủi ro cao thường rơi vào doanh nghiệp nào bán trước, còn doanh nghiệp bán sau thì ít hơn. Bởi vậy, dù giá gạo trên thị trường đang tốt nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp bị lỗ nặng và nguy cơ rời khỏi thị trường là rất lớn, nên thị trường lên cao chưa chắc đã tốt mà thị trường xuống thấp cũng chưa chắc là xấu. Trong bối cảnh giá lúa gạo nhiều biến động thì năng lực nhận biết thị trường, phán đoán thị trường cũng như năng lực kinh doanh của từng doanh nghiệp là rất quan trọng”, doanh nghiệp này nói.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, cả nước đã xuất khẩu 660.738 tấn gạo, trị giá 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và 6,4% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,89 triệu tấn, trị giá 2,617 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
7 tháng đầu năm, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất, đạt 1.937.740 tấn, trị giá 984,90 triệu USD, chiếm 39,6% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước. So với cùng kỳ giảm 2,07% về lượng nhưng tăng 6,49% về giá trị, nhờ giá gạo xuất khẩu tăng.
Tiếp theo là Trung Quốc, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 718.654 tấn, trị giá 413,468 triệu USD. So với cùng kỳ năm rồi tăng 54,14% về lượng và tăng 70,33% về trị giá.
Trong số các thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, Indonesia là thị trường đạt mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, tháng 7/2023, Indonesia nhập khẩu của Việt Nam 109.974 tấn gạo, trị giá 55,964 triệu USD, so với tháng 7/2022 tăng 24,7 lần về lượng và tăng 26,11 lần về kim ngạch. Cộng dồn 7 tháng, đạt 602.667 tấn, trị giá 299,395 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 16,03 lần về lượng, và tăng 16,3 lần về kim ngạch.
SunRice là doanh nghiệp phân phối gạo lớn nhất Australia và một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới tiêu thụ gạo Japonica, có thương hiệu tại hơn 60 quốc gia. SunRice đã sử dụng nguồn cung ứng cả gạo Japonica và Indica từ Việt Nam trong hơn 10 năm.
Trong vòng 3 năm gần đây, SunRice đã mua 200 triệu USD gạo và hiện chiếm khoảng 5% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài việc mua gạo, SunRice đã hợp tác trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam để phát triển năng lực gạo Japonica xuất khẩu có giá trị cao cho thị trường toàn cầu của SunRice. Hồi tháng 5 năm nay, Tập đoàn SunRice cũng có chuyến đi tới TP Cần Thơ để tìm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất gạo.