(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, tổ chức chiều tối ngày 6/8, tại Hà Nội. Tại phiên họp, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhiều thời gian qua như: vắc-xin, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa... đã được đại diện Chính phủ, các Bộ, ngành trả lời thấu đáo.
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021. Phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra sau khi cả nước tổ chức kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và vừa tổ chức khai giảng năm học 2021-2022.
Bên cạnh việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022... Chính phủ cũng cho biết, công tác phòng chống dịch đang được triển khai quyết liệt với phương châm chỉ đạo là lấy "mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài”, "mỗi người dân là một chiến sĩ", kết hợp linh hoạt, hài hòa, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp tổ chức thực hiện tại địa bàn gần dân nhất, sát dân nhất và tiếp nhận, đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của người dân.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần phải cố gắng hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch; trong đó, giãn cách xã hội là quyết định, thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vắc-xin, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Phương châm đặt ra là "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", “thu hẹp vùng đỏ”.
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sẽ chủ động nguồn vắc-xin trong nước từ đầu năm 2022
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên liên quan đến việc đưa vắc-xin Nanocovax vào tiêm thực tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện tại, vắc-xin Nanocovax chưa thực hiện hết pha 3 mà đang thực hiện giữa pha 3. Ngày 22/8 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen kết hợp với Học viện Quân y và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã nộp hồ sơ sau khi kết thúc thực hiện lâm sàng pha 3 để gửi lên Hội đồng Đạo đức quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại mà Hội đồng cấp phép kiến nghị cần phải giải quyết.
"Chúng ta mong muốn sớm có vắc-xin sản xuất trong nước sớm nhất. Tuy nhiên, vắc-xin là một sản phẩm đặc biệt liên quan đến cả cộng đồng và nhiều thế hệ. Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Y tế là chúng ta làm nhanh nhưng phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, trên cơ sở kết luận của Hội đồng cấp phép, còn 3 nội dung mà công ty cũng như đơn vị nghiên cứu cần thiết phải bổ sung, cụ thể:
Thứ nhất, về tính an toàn, cần bổ sung, cập nhật thêm dữ liệu an toàn cho toàn bộ đối tượng đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin tới thời điểm hiện tại và giải thích rõ về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng tới thời điểm hiện tại.
Thứ hai, về tính sinh miễn dịch, cần bổ sung, cập nhật dữ liệu theo Đề cương sửa đổi mới nhất được Hội đồng Đạo đức thông qua, bao gồm: Bổ sung, cập nhật đánh giá tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới (ví dụ biến chủng Delta, biến chủng Anh…) và cỡ mẫu đánh giá tính sinh miễn dịch cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu đã được thông qua.
Thứ ba, về hiệu quả bảo vệ, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với nhóm nghiên cứu để phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vắc-xin và hiệu quả bảo vệ tối thiểu 50% (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
"Còn về thời điểm, khi nào chúng ta lưu hành sẽ do Hội đồng Đạo đức, Hội đồng Khoa học thống nhất với đơn vị tài trợ", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Hiện nay, Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng 3 loại vắc-xin: Nano Covax, COVIVAX và vắc-xin ARCT-154. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Sang năm 2022, chúng ta sẽ tự chủ vắc-xin trong nước".
Chia sẻ thêm thông tin về vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, tiếp cận vắc-xin là một trong những vấn đề ưu tiên, trọng tâm hàng đầu của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế, sản xuất.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ rất sớm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ngoại giao vắc-xin. Chính phủ đã lập ra Tổ ngoại giao vắc-xin của Chính phủ để đảm nhận trọng trách. Trong thời gian qua, Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin đã tổ chức triển khai công tác tìm kiếm, huy động vắc-xin khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương qua các tổ chức quốc tế (như cơ chế COVAX) và đẩy mạnh các hoạt động vận động ngoại giao vắc-xin thông qua mạng lưới đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất không chỉ vắc-xin mà còn thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, tổ ngoại giao vắc-xin đã triển khai theo 3 hướng: Ưu tiên đẩy mạnh cam kết thực hiện theo hợp đồng vắc-xin mà Chính phủ đã kí kết với các hãng lớn như Astra Zeneca, Pfizer; tranh thủ huy động các mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương hữu nghị để tiếp cận các nguồn vắc-xin từ các nước đối tác thông qua nhiều hình thức khác nhau như viện trợ qua thương mại và vay. Để bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin ổn định, lâu dài, Tổ công tác cũng đẩy mạnh thúc đẩy việc kí kết các hợp đồng mua vắc-xin mới với các hãng lớn cũng như đẩy mạnh hợp tác để sản xuất vắc-xin trong nước, bảo đảm việc tiếp cận ổn định.
"Đến nay kết quả đạt được khá tích cực. Nếu như đầu tháng 8 chúng ta huy động được khoảng 16,6 triệu liều vắc-xin thì đến cuối tháng 8 chúng ta có 33 triệu liều vắc-xin. Dự kiến đến cuối tháng 10 chúng ta có thể huy động hơn 30 triệu liều vắc-xin. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều vắc-xin về Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn thuốc đặc trị khác nhau. Bộ Y tế cùng các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã vận động chính phủ các nước để nhập khẩu thành công nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ.
Tổ công tác cũng đẩy mạnh việc tiếp cận các trang thiết bị y tế từ các nguồn khác nhau. Đến nay đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ nhiều thiết bị y tế trị giá đến hàng triệu USD như: 660 máy thở, 600 máy tạo ô xy, 1.000 tấn ô xy... đã được chuyển về Việt Nam để hỗ trợ công tác chống dịch.
Dù công tác ngoại giao vắc-xin trong thời gian vừa qua đã đạt nhiều kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, trước nhu cầu vắc-xin còn rất lớn, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ mong sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các nước đối tác của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng bà con ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để có nhiều vắc-xin và thuốc đặc trị hơn sẽ đến với Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Liên quan đến các câu hỏi về lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc lưu thông hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt. Thủ tướng chỉ đạo, tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) đều được phép lưu thông. "Bộ Công Thương đã thông suốt cùng chúng tôi thực hiện điều này", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Đối với phương tiện đã được Bộ GTVT cấp mã QR thì thống nhất các chốt không kiểm tra, không test nhanh. Gần đây, Bộ GTVT đã ban hành 5 hướng dẫn với 5 lĩnh vực chuyên ngành: hàng không, đường sắt, đường thủy, đường thủy nội địa, đường bộ. Tất cả đều có hướng dẫn rất cụ thể cho địa phương triển khai trong việc tổ chức vận tải, đảm bảo lưu thông. Bên cạnh đó, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, việc lưu thông hàng hóa đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua.
CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho biết, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, Chính phủ thống nhất nhận định mặc dù chịu tác động do đại dịch COVID-19 gây ra, song kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 tiếp tục được duy trì. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn...
Cụ thể hơn, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2021 cung cấp tại buổi họp báo cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2020.
"Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng thu cân đối NSNN 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán; trong đó chỉ thường xuyên đạt 63% dự toán.
Vốn đầu tư nguồn NSNN thực hiện 8 tháng năm 2021 ước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ bằng 48% và tăng 28%). Ước giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN đến ngày 31/8/2021 là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%).
Tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn FDI 8 tháng đầu năm ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường tiền tệ, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, điều hành thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối chủ động, linh hoạt, ổn định. Tính đến ngày 25/8/2021, huy động vốn tăng 4,44% (huy động VND tăng 4,83%, ngoại tệ tăng 0,67%), tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,06% so với cuối năm 2020.
Tính chung 8 tháng năm 2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng năm 2021 đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo cho biết, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,8%); trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.499,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng mức và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 254,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4% và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,1% và giảm 61,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Về xuất nhập khẩu, tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng là 81.584 doanh nghiệp, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là lần thứ 2 số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2021 có sự giảm sút trong giai đoạn 2016-2021. Trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 32.441 doanh nghiệp, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có sự gia tăng, với 85.508 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021.
Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là yếu thế (lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động vùng sâu, vùng xa...). Các địa phương đang giãn cách xã hội cũng đã thực hiện linh hoạt phương án sản xuất “an toàn 3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”.