(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng cục Thuế cho rằng, việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay với đặc thù của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay sẽ phải nghiên cứu, có thể nâng cao hơn mức 25% như hiện tại…
Trước thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Thái Nguyên cho rằng quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) được thông báo mới đây đang khiến khoảng 7.800 DN trong tỉnh “mắc cạn”, Tổng cục Thuế vừa chính thức khẳng định, đây không phải là quy định mới gây khó khăn cho DN…
Theo Tổng cục Thuế, căn cứ quy định về xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay đã được quy định tại Thông tư 117/2005/TT-BTC; Thông tư 66/2010/TT-BTC; Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Trong đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP còn nâng mức tỷ lệ cao hơn so với quy định tại Thông tư 66 (từ 20% lên mức 25%). Cụ thể:
Tại điểm e khoản 4 Điều 3 Thông tư 66/2010/TT-BTC quy định: “e) Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay;”
Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP và điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định: “d) Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay;”
“Do đó, đây không phải là quy định mới gây khó khăn cho các DN khi xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay như Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên đã đề cập…”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.Đồng thời giải thích thêm: Khi xác định 2 DN có mối quan hệ liên kết thì giao dịch phát sinh giữa 2 DN này là giao dịch liên kết (GDLK) và phải thực hiện kê khai xác định giá GDLK theo quy định. Đồng thời, nếu DN có GDLK chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế sẽ áp dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP) và khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, do nhiều DN Việt Nam chủ yếu hoạt động bằng việc vay vốn ngân hàng với mức vốn vay lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên nhiều DN được xác định có mối quan hệ liên kết với DN là các ngân hàng khi vay vượt 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, qua thực tế triển khai nhiệm vụ, Tổng cục Thuế nhận được một số văn bản hỏi của các Cục Thuế về việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay trong đó có xác định mối quan hệ liên kết vay giữa DN với ngân hàng với mức vốn vay trên 25% vốn chủ sở hữu. Trong đó, giao dịch xác định chi phí lãi vay với ngân hàng theo nguyên tắc giao dịch độc lập không phải là vướng mắc của DN mà vấn đề là ở việc khi xác định có quan hệ liên kết theo vốn vay với ngân hàng, DN và ngân hàng phát sinh giao dịch sẽ được xác định là GDLK, chi phí lãi vay được trừ của DN sẽ áp dụng khống chế theo quy định của Nghị định.
“Tổng cục Thuế thấy rằng, việc xác định mối quan hệ liên kết theo vốn vay với đặc thù của DN Việt Nam sẽ phải nghiên cứu (có thể nâng mức cao hơn - không giữ ở 25% như hiện tại) để phù hợp hơn với đặc thù của DN Việt Nam hoạt động chủ yếu bằng vốn vay. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này cũng cần phải cân nhắc thêm do Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp (trích nội dung)“ … Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"…”- Đại diện Tổng cục Thuế bày tỏ quan điểm.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, Tổng cục Thuế đã có buổi trao đổi giữa với các chuyên gia Dự án RARS (Dự án Hỗ trợ hiện đại hoá hệ thống thuế) về vấn đề vốn mỏng có nên áp dụng cho tất cả các DN Việt Nam hay không.
Các chuyên gia Dự án RARS khuyến nghị rằng, tại Việt Nam các DN thường vay nhiều, “mức thị trường” không phải là vay gấp 3->4 lần vốn chủ sở hữu mà có thể tới 7->8 lần. Do đó, cần cân nhắc khi đưa ra quy định về vốn mỏng áp dụng cho tất cả các DN.