Soi kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới

Ngô Hải| 12/11/2020 16:31
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, chọn kênh đầu tư nào an toàn, hiệu quả là vấn đề mà nhà đầu tư nào cũng quan tâm. Đây cũng là nội dung được các chuyên gia, các nhà kinh tế và doanh nghiệp chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Bình thường mới – Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 12/11/2020.

Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính và lãnh đạo các doanh nghiệp, trao đổi về thực trạng các kênh đầu tư trong trạng thái bình thường mới, cơ hội và rủi ro trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay: bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, vàng, và các hình thức đầu tư mới xuất hiện.

Các thị trường vẫn duy trì ổn định

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, chừng nào thế giới chưa tìm ra một loại vắc xin thực sự hữu hiệu thì chừng đó cơn bão COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục hoành hành, tàn phá các nền kinh tế, buộc các nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân đều phải tính toán lại kế hoạch.

Trong bối cảnh đó, các dòng vốn đầu tư trở nên khó đoán định và sụt giảm nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới đã làm chao đảo các thị trường hàng hóa, bất động sản, tài chính, lao động,… Các cơ hội đầu tư, kinh doanh bị thu hẹp. Nhiều hoạt động đầu tư đối mặt với rủi ro thua lỗ cao hơn so với khi được tiến hành trong môi trường kinh doanh bình thường trước dịch bệnh.

“Liệu đó sẽ là những địa chỉ truyền thống như thị trường bất động sản, với hy vọng về một sự hồi phục mạnh mẽ trong tương lai không xa? Là thị trường chứng khoán với những doanh nghiệp đang ấp ủ những kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng khi đã thích nghi với trạng thái bình thường mới? Là ánh lấp lánh của những kim loại quý, vừa mang tính phòng thủ, vừa có cơ hội bùng nổ như nhiều dự báo đang đưa ra? Là sự an toàn, đơn giản của những cuốn sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi dù lãi suất đang được neo ở mức thấp?... Hay đó sẽ là những kênh đầu tư còn hết sức mới mẻ, xa lạ với nhà đầu tư Việt?”, ông Minh đặt vấn đề.

Nhìn nhận trên phương diện vĩ mô, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với GDP tăng 2,12% cho 9 tháng đầu năm 2020 trong khi nhiều quốc gia đang trong tình trạng suy thoái và kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng âm ở mức  4 – 5%, các thị trường vẫn duy trì được sự ổn định.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Theo ông Hiếu, gửi tiền ngân hàng và mua nhà ở hay kinh doanh bất động sản trong phân khúc thị trường nhà ở vẫn là kênh đầu tư an toàn và hợp lý. Thị trường ngoại hối cũng đang ổn định, nhưng không phải là kênh đầu tư và kinh doanh dành cho cá nhân và doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh ngoại hối. Kinh doanh trên những sàn FX đang rất phổ biến nhưng mang tính rủi ro thị trường rất cao và không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Còn với thị trường vàng và chứng khoán, ông Hiếu cho rằng, hai thị trường này sẽ tiếp tục biến động mạnh, do tác động bởi tình hình chính trị và kinh tế thế giới. “Các nhà đầu tư vào hai thị trường nên thận trọng và không nên vay tiền để đầu tư và không nên “bỏ tất cả quả trứng vào một rổ””, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Phân tích về kênh đầu tư chứng khoán hiện nay, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán VPS cho biết, trong quý III/2020, cả hai chỉ số VN-Index và HNX đều chứng kiến mức tăng ấn tượng cả về mặt điểm số đến thanh khoản. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 9,71%, HNX Index tăng 21,11% so với cuối quý trước.

Dự báo, trong quý IV/2020, VN Index sẽ dao động trong vùng 960 – 1.000 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 880 và 900 điểm. Trong khi đó, HNX Index sẽ hướng tới vùng 145 - 150 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số là 120 và 100 điểm.

Qua phân tích diễn biến thị trường và các ngành, ông Khánh cho rằng, cơ hội đầu tư trong năm 2021 sẽ là “ngành sản xuất thiết yếu và ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ”. Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài, quá trình công nghiệp hóa, số hóa của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu như: điện, nông nghiệp, vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép,…).

Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau dịch COVID-19, các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam sẽ là đem đến triển vọng tăng trưởng tích cực cho nhóm doanh nghiệp xây dựng chuyên dụng, bên cạnh tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế nói chung.

5 nhóm cơ hội đầu tư trọng tâm thời gian tới

TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia

Khái quát về triển vọng đầu tư thời gian tới, TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, có thể nhận diện ít nhất có 5 nhóm cơ hội đầu tư – kinh doanh quan trọng gồm:

Thứ nhất, cơ hội đầu tư – kinh doanh số. Với mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn dịch bệnh cùng với xu thế CMCN 4.0 hiện nay; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử (gồm cả mobile money), giải trí số, làm việc từ xa (tại nhà), khám chữa bệnh từ xa, định vị hành trình cá nhân… Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, tư vấn phát triển kinh doanh số…

Thứ hai, cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu… Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng) cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài. Những bên có liên quan đến mảng đầu tư này như nhà tài trợ, doanh nghiệp tham gia (cả Nhà nước, tư nhân và FDI), định chế tài chính, tổ chức tư vấn, địa phương… đều là những người hưởng lợi từ xu thế này.

Thứ ba, cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường đã và đang mở rộng hơn. Cơ hội này đã có được trong những năm gần đây và dịch bệnh lại càng thúc đẩy nhu cầu thiết yếu này.

Thứ tư, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra. Xu thế này còn tiếp diễn vì quá trình dịch chuyển thường diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm, các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Chính phủ các nước có động thái khuyến khích, hỗ trợ…. Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp Việt nói riêng cần chuẩn bị tâm thế, hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách tốt hơn để lường đón và tận dụng cơ hội này.

Thứ năm, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán và bất động sản. Mặc dù đây vẫn được xem là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Chia sẻ kỹ hơn về cơ hội đầu tư trong kinh doanh số, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, kinh tế số và thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng từ 20-30% năm trong những năm vừa qua. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương, dự kiến doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử sẽ đạt 13-15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam với khoảng 64 triệu người sử dụng internet và gần 60% người dân sử dụng mạng xã hội, đang đứng trước cơ hội lớn để kết nối không chỉ các doanh nghiệp mà cả cá nhân người dân tham gia vào nỗ lực xây dựng và phát triển nền kinh tế số cũng như mạng lưới thương mại điện tử mà Chính phủ đề ra.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), quy mô kinh tế số Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Cũng theo một dự báo khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới nếu như chuyển đổi số hóa thành công.

Bà Dương cho rằng, thông qua không gian số, bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào mà mỗi cá nhân có khả năng cung cấp, đều có thể là nguồn tài sản của nền kinh tế số. Mỗi cá nhân có thể đầu tư tài sản của mình (có thể là tài sản vật lý, phi vật lý, hay tài sản trí tuệ) vào bất cứ khu vực, lĩnh vực nào của nền kinh tế số.

“Thị trường số là một thị trường mở, với cơ hội mở ra một cách công bằng cho bất cứ ai tham gia thị trường. Việc nắm bắt và phát huy được các cơ hội này tùy thuộc vào khả năng nhanh nhạy, đánh giá đúng về đối tượng sử dụng dịch vụ, am hiểu về thị trường (có thể là thị trường đại chúng hay thị trường ngách), cũng như chất lượng sản phẩm dịch vụ được cung cấp của mỗi cá nhân đầu tư trên thị trường số”, bà Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Dương cũng lưu ý đến các yếu tố cần cân nhắc khi đầu tư tài sản cá nhân trên không gian số, đó là: Chi phí cũng như nguồn thu tương ứng với tài sản, rủi ro khi cung cấp tài sản và các biện pháp phòng tránh rủi ro tương ứng, vấn đề về cạnh tranh trên thị trường số so với thị trường vật lý, quyền sở hữu trí tuệ (nếu cần thiết), vấn đề an toàn bảo mật thông tin và sự uy tín của đơn vị kết nối.

Dưới góc nhìn của đơn vị tổ chức, ông Lê Trọng Minh cho rằng, khi nào đại dịch kết thúc vẫn còn là ẩn số, song chắc chắn sự biến động của các kênh đầu tư vẫn còn tiếp diễn và trạng thái bình thường mới sẽ tạo ra những quy luật vận động mới. “Sẽ có những kênh đầu tư trở nên khó khăn và bớt thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư, nhưng cũng sẽ có những kênh hoặc phương thức đầu tư mới mở ra, hứa hẹn lợi suất lớn hơn trong tương lai”, ông Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Soi kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO