Các Hiệp hội ngành, nghề

Sớm cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng cơ chế đặc thù

Tri Nhân 20/06/2024 - 14:09

Dự báo tăng trưởng quý II có thể đạt 6,2% và 6 tháng đạt 6,0% nhưng phải giải quyết các điểm nghẽn về nguồn lực cho tăng trưởng và cần có các chính sách khả thi, quy mô đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn", doanh nghiệp dân tộc.

Kỳ vọng tích cực

Nhìn lại những chuyển biến của nền kinh tế nửa đầu của năm, ông Nguyễn Đức Tâm – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,66%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,6%) và là mức tăng trưởng cao nhất ASEAN (Indonesia tăng 5,11%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 2,7%, Thái Lan tăng 1,5%).

Các chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng.

“Xu hướng này cho chúng ta kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tiếp tục tích cực, dự báo quý II có thể đạt 6,2% và 6 tháng đạt 6,0% - đây là mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01”, Vụ trưởng Tâm chia sẻ.

b1.png
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 5 tháng đầu năm các năm 2020-2024
b2.png
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm các năm 2020-2024

Tuy vậy, công tác điều hành vĩ mô đang và sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, thách thức lớn. Tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh… tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024.

Ở trong nước, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, xuất khẩu… dù phục hồi tích cực, nhưng áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ thị trường thế giới và trong nước. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.

Nhưng trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội. “Nếu chúng ta chớp được thời cơ, khai thác được cơ hội, thì thách thức cũng sẽ trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước”, theo Vụ trưởng Tâm.

Ông Tâm cho hay: với vị trí, vai trò là cơ quan tổng hợp, tham mưu chiến lược về phát triển KTXH, Bộ KHĐT xác định rằng phải chủ động nắm bắt thời cuộc, nhanh nhạy, linh hoạt và bản lĩnh để tranh thủ cơ hội phát triển, tìm ra hướng đi mới, động lực mới cho phát triển đất nước.

Các chính sách, giải pháp điều hành phải kịp thời để vừa ứng phó với biến động bên ngoài, vừa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả với các nước để không “tụt lại phía sau” trong các xu thế lớn toàn cầu.

Đồng thời, phải tập trung cải thiện các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực… giải quyết các điểm nghẽn về nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

Nhìn sang nửa cuối năm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho rằng nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 4 vấn đề lớn. Đó là các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo đột phá cho tăng trưởng năm 2024. Vĩ mô còn nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro. Đó là thị trường tài chính, bất động sản còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Và còn nguy cơ thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu…

Đòi hỏi chính sách khả thi quy mô đủ lớn

Các động lực tăng trưởng còn nhiều thách thức. Về phía cung: Khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định quanh mức 3-4%, khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung. Khu vực công nghiệp khó chuyển biến nhanh do phụ thuộc nhều vào thị trường thế giới, các nền kinh tế lớn. Khu vực dịch vụ, du lịch thiếu yếu tố đột phá, phải cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế.

Các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn… chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong khi đó nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy các ngành này ở nước họ.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp.

Về phía cầu, tiêu dùng trong nước khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019 nên cần có chính sách mạnh hơn để khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước.

Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, áp lực cạnh tranh gia tăng lại phải đối diện với các rào cản thương mại mới. “Các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian còn lại để doanh nghiệp chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026). Đây là một thách thức”, theo ông Tâm.

Đầu tư tư nhân phục hồi chậm. Tốc độ tăng vốn FDI đăng ký có dấu hiệu giảm dần qua từng tháng, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Vụ trưởng Tâm cho hay “Bộ KHĐT sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ 4 nhiệm vụ, giải pháp chính:

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới.

Đồng thời xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh và quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (sandbox).

Xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn", doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Thứ hai, thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Trong đó, cần thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, đẩy nhanh đầu tư công, thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, dự án sản xuất chíp, bán dẫn…

Thứ ba, kịp thời tham mưu các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý giá cả nhằm kiểm soát lạm phát cả năm đạt cận dưới theo mục tiêu đề ra (4-4,5%).

Đặc biệt là, cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Xây dựng và trình Quốc hội Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính.

Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và cho các dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng cơ chế đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO