(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bài viết này chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn của các dự án vay vốn tại VDB, từ đó đề xuất một số biện pháp xử lý.
Tóm tắt: Trước tác động của dịch COVID-19, nhiều dự án đầu tư phát triển (ĐTPT) đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc thu xếp nguồn vốn để trả nợ vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), thậm chí có những dự án đã bắt đầu phát sinh nợ quá hạn hoặc kéo dài, tình trạng chậm thanh toán nợ gốc và lãi đã quá hạn từ trước đó. Do vậy, việc nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bài viết này chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn của các dự án vay vốn tại VDB, từ đó đề xuất một số biện pháp xử lý.
Abstract: Due to the impact of the COVID-19 pandemic, many investment and development projects are under great pressure in arranging debt repayment to the VietNam Development Bank (VDB), There are even projects that have begun to develop overdue or prolonged debts, and delayed payment of overdue principals and interests. Therefore, the consideration of applying specialized solutions to remove difficulties for these projects is necessary in the current context. This article specifies difficulties of projects funded by VDB, then proposes some solutions.
Tín dụng đầu tư phát triển (ĐTPT) của Nhà nước là một hình thức hỗ trợ vốn từ Chính phủ thông qua hoạt động cho vay trung và dài hạn của một định chế tài chính đặc thù là VDB để đầu tư vào các dự án thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề hoặc địa bàn do Chính phủ quy định. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều tác động tiêu cực, các dự án vay vốn tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) khác bị tác động bởi COVID-19 được áp dụng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn theo chính sách riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thì các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB vẫn chưa được áp dụng chính sách đặc thù nào. Điều đó càng làm cho việc thu hồi nợ tín dụng ĐTPT của Nhà nước từ những dự án này gặp nhiều trở ngại, trong khi vốn dĩ các dự án vay vốn tại VDB thường có khả năng sinh lời không cao như các dự án vay vốn tại các TCTD khác.
Dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB đang chịu áp lực lớn về tài chính
Giống như nhiều dự án được đầu tư bằng các nguồn vốn khác, từ đầu năm 2020 trở lại đây, các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh dưới tác động của dịch COVID-19. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải chịu áp lực rất lớn trong việc thu xếp nguồn vốn để trả nợ vay cho VDB. Thậm chí, có những dự án đã bắt đầu phát sinh nợ quá hạn hoặc kéo dài tình trạng chậm thanh toán nợ gốc và lãi đã quá hạn từ trước đó.
Số liệu thống kê từ VDB cho biết, dù dư nợ tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB trong năm 2020 không tăng thêm, song số nợ tín dụng ĐTPT quá hạn lại gia tăng đáng kể. Tính đến hết tháng 9/2020, số nợ tín dụng ĐTPT quá hạn tăng 7.741 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó: nợ gốc quá hạn tăng thêm 3.309 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn tăng thêm 4.432 tỷ đồng.
Bên cạnh những dự án có nợ quá hạn từ các năm trước, trong năm 2020 đã có thêm 4 dự án phát sinh nợ gốc quá hạn và 22 dự án phát sinh nợ lãi quá hạn tại VDB.
Theo VDB, số nợ quá hạn tăng thêm phần lớn nằm ở các dự án được cho vay theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, sản xuất điện, trồng rừng và một số dự án an sinh xã hội…
Ngoài các dự án nói trên, nhiều dự án còn lại tuy không phát sinh nợ quá hạn nhưng cũng đang chịu áp lực lớn về tài chính do phải trả lãi vay vốn tín dụng ĐTPT với mức lãi suất cao được áp dụng từ lúc giải ngân vốn vay trong các năm trước đây. VDB cho biết, đến tháng 9/2020, trong tổng dư nợ tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB có đến hơn 60.000 tỷ đồng dư nợ chịu lãi suất từ 8,55%/năm trở lên, gần 34.000 tỷ đồng dư nợ phải chịu lãi suất tương đối cao (từ 10%/năm trở lên).
Đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn của các TCTD được duy trì phổ biến ở mức 9-11%/năm trong nửa đầu năm 2020 và giảm xuống mức thấp hơn trong nửa cuối năm 2020. Có thể thấy, nhiều dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB đang chịu áp lực về tài chính lớn hơn đáng kể so với các dự án vay vốn tại các TCTD khác.
Tuy vậy, theo cơ chế xử lý rủi ro vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước được quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT gặp khó khăn trong việc trả nợ có thể được xem xét để gia hạn nợ, khoanh nợ hoặc xóa nợ (gốc, lãi).
Với thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP và Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, trong năm 2020, VDB chỉ thực hiện được việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ cho một số dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ; còn lại các biện pháp khác như khoanh nợ, xoá nợ gốc, xoá nợ lãi theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP hoặc giảm lãi suất cho vay theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP đều chưa được thực hiện do vượt quá thẩm quyền của VDB.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ do tác động tiêu cực của COVID-19, song các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước tại VDB chưa được áp dụng cơ chế đặc thù nào nhằm hỗ trợ chủ dự án giảm gánh nặng tài chính”, VDB cho biết.
Do vậy, giải pháp mà VDB đã áp dụng đối với những dự án này, về cơ bản, vẫn là các biện pháp xử lý rủi ro thông thường được quy định theo chính sách chung của Chính phủ về tín dụng ĐTPT của Nhà nước, thậm chí nhiều giải pháp trong đó vẫn chưa được VDB thực hiện vì vượt quá thẩm quyền quyết định của VDB.
Áp dụng các biện pháp xử lý đặc thù
Việt Nam đã có những thành công đáng kể trong việc chống dịch COVID-19, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đại dịch này vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và chưa có cơ sở chắc chắn để xác định thời điểm có thể khống chế và kiểm soát được dịch.
Trong bối cảnh đó, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, các chủ dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước chưa thể khắc phục được ngay tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà dịch COVID-19 gây ra để có thể thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ trả nợ cho VDB. Do đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý có tính đặc thù nhằm giảm bớt áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp này là rất cần thiết ở giai đoạn hiện tại, cụ thể:
VDB đề xuất, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB, tạo cơ sở pháp lý để VDB có thể đề xuất áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác đối với các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước ngoài biện pháp gia hạn nợ.
Về phía NHNN, cần xem xét sửa đổi quy định về phân loại nợ của VDB tại Thông tư số 24/2013/TT-NHNN theo hướng bổ sung các trường hợp VDB được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc được áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác.
Ngoài ra, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất Chính phủ phương án bố trí ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý mà ngân sách nhà nước chưa thanh toán đủ cho VDB cũng như số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý sẽ phát sinh sau khi thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án vay vốn tín dụng ĐTPT bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (gia hạn nợ, khoanh nợ, xoá nợ lãi, giảm lãi suất cho vay…).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, các giải pháp trên sẽ có tác dụng một mặt giảm bớt áp lực về tài chính phát sinh từ số nợ tín dụng ĐTPT nhằm hỗ trợ các các chủ dự án vượt qua khó khăn, mặt khác giảm thiểu nguy cơ mất vốn hoặc mất thu nhập cho VDB từ các dự án chịu tác động của COVID-19 trong trường hợp chủ dự án không thể khắc phục được khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nguồn trả nợ.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8/2021