(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sri Lanka rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử khi chính phủ cố ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến các cuộc biểu tình hàng loạt và một cuộc khủng hoảng chính trị.
Hôm nay, ngày 19/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Skri Lanka Nandalal Weerasinghe cho biết quốc gia này sẽ không thể thanh toán cho đến khi khoản nợ được tái cơ cấu và do đó sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trước. Các khoản thanh toán cho các lô trái phiếu kỳ hạn năm 2023 và 2028 có tổng trị giá 78 triệu đô la, đáo hạn vào ngày 18/4, cũng đã hết thời gian ân hạn 30 ngày.
Sri Lanka rơi vào tình trạng hỗn loạn trong bối cảnh lạm phát gia tăng - mà theo Thống đốc Weerasinghe, sẽ tăng lên 40% trong những tháng tới - đồng tiền giảm mạnh và cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đất nước này thiếu tiền để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.
Người dân Sri Lanka đang thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men nghiêm trọng, với việc cắt điện kéo dài nhiều giờ và phải xếp hàng dài để được mua xăng, dầu diesel.
Sự tức giận của công chúng đã bùng lên thành các cuộc phản đối bạo lực và khiến chính phủ vào tháng trước đã phải tuyên bố sẽ ngừng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 12,6 tỷ USD để bảo toàn tiền mặt cho các mặt hàng thiết yếu.
Đây sẽ là lần vỡ nợ đầu tiên của quốc gia này kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Trái phiếu của nước này nằm trong nhóm kém nhất trên thế giới.
Tín dụng toàn cầu thắt chặt hơn do nhiều yếu tố - Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, chi phí hàng hóa tăng cao, xung đột tại Ukraine - đã gây ra tác động tàn khốc đối với quốc gia thu nhập thấp này, vốn là nhà phát hành trái phiếu đô la Mỹ lớn nhất ở châu Á. Và tất cả những điều đó đã bồi thêm vào tình hình khó khăn của quốc gia này sau đại dịch, với hơn 3/4 thu nhập từ ngành du lịch đã biến mất.
Sri Lanka là quốc gia phát hành trái phiếu có lợi suất cao lớn nhất châu Á và tham gia nhiệt tình vào kế hoạch cơ sở hạ tầng quốc tế Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Tổng số nợ các trái chủ tư nhân và các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là hơn 50 tỷ USD.
Sri Lanka đã trở thành một điểm đến phổ biến cho các trái chủ tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời cao sau khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 2009, khi gia đình Tổng thống Rajapaksa cầm quyền sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng có được bằng vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng. Hòn đảo này, chưa bao giờ bỏ lỡ các khoản thanh toán nợ, cùng với các quốc gia bao gồm Zambia và Ecuador vỡ nợ khi đại dịch do virus corona gây ra.
Sri Lanka đã bắt đầu đàm phán với IMF và các chủ nợ song phương về các khoản vay khẩn cấp để giảm bớt tình trạng thiếu hụt.
Ngày 19/5, trái phiếu của Sri Lanka biến động trái chiều nhưng cao hơn mức thấp kỷ lục ghi nhận vào tuần trước, cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng giá trị phục hồi tốt hơn. Theo dữ liệu của Bloomberg, trái phiếu đô la đến hạn vào năm 2030 ở mức 38,39 xu và trái phiếu đến hạn vào tháng 7 ở mức 42,78 xu. Chỉ số Cổ phiếu Colombo giảm hơn 3% trong bối cảnh bán tháo cổ phiếu toàn cầu.
(Nguồn: tổng hợp)