(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 7,8%. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.
Dự báo này được đưa ra tại sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu thường niên của Standard Chartered được tổ chức ngày 21/1/2021 theo hình thức trực tuyến. Tại sự kiện, các diễn giả trình bày và thảo luận về báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 do Standard Chartered xuất bản gần đây với tựa đề “The road to redemption - Hướng tới sự phục hồi” và báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất về Việt Nam mang tên “Vietnam – 2021: Strong recovery expected - Việt Nam: Triển vọng phục hồi mạnh mẽ năm 2021”.
Hình minh họa |
“Kể từ quý II/2020, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Theo nhận định của chúng tôi, quá trình hồi phục đang diễn ra ổn định. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỳ vừa qua và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ.
Các chuyên gia của Standard Chartered dự báo tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực đầu tư và dịch vụ được cải thiện sẽ là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế trong những năm tới. Các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới.
Việt Nam là quốc gia hưởng lợi từ tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và công nghệ - dự kiến sẽ còn tiếp diễn dưới thời chính phủ mới của Mỹ.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng đã diễn ra mạnh mẽ. Nhu cầu trên thế giới phục hồi chậm chạp và tâm lý đầu tư ảm đạm có thể sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, tuy nhiên, thu hút vốn FDI của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ còn tiếp diễn trong 2 năm tới khi những căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được tháo gỡ. Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư khi các quốc gia và doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là yếu tố tích cực cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn”.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Standard Chartered, mức độ cạnh tranh gia tăng có thể là động lực thúc đẩy Việt Nam cải thiện sản phẩm và chuỗi cung ứng nếu Việt Nam mong muốn trở thành cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Điều này sẽ đòi hỏi những sự cải thiện trong năng suất lao động, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ, bên cạnh các yếu tố khác.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ mang đến các cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước bước lên những bậc thang mới trong chuỗi giá trị khi các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa. Doanh nghiệp sản xuất tại các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ xem xét giảm thiểu chi phí bằng cách chuyển các công đoạn sản xuất cuối cùng sang các quốc gia ASEAN có chi phí tốt hơn như Việt Nam.