(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự can thiệp tiền tệ của Nhật Bản dường như tỏ ra không hiệu quả trong việc lật ngược điểm yếu cơ bản của đồng Yên so với đồng đô la Mỹ (USD), ngay cả khi nỗ lực lần đầu tiên trong 24 năm qua nhằm củng cố đồng tiền của mình đã có hiệu lực ngay lập tức.
Đồng USD trong thời gian ngắn đã giảm mạnh xuống dưới 141 Yên từ mức cao nhất trong 24 năm là gần 146 Yên vào ngày 22/9 sau khi chính phủ can thiệp thị trường để ngăn đà trượt giá của đồng Yên. Ông Masahiro Yamaguchi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại SMBC Trust cho biết, hành động này đã khiến thị trường hơi bất ngờ, mặc dù những cảnh báo lặp đi lặp lại của Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki về sự sụt giảm nhanh chóng gần đây của đồng Yên xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng tiền của Mỹ đã khiến thị trường lo lắng.
Một đợt tăng giá mạnh ngay lập tức của đồng USD có vẻ khó khăn trong bối cảnh lo ngại về một sự can thiệp thị trường khác của các nhà chức trách Nhật Bản, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Các nhà phân tích thị trường cho biết, đồng USD vẫn đang trên đà quay trở lại mức 145 Yên và có thể tăng lên 147,66 Yên - mức chưa từng có trong hơn 32 năm.
Ông Yamaguchi nói: “Cho đến khi (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản – BOJ) thay đổi chính sách của mình, đồng Yên sẽ không ngừng giảm bởi tác động của sự can thiệp (tiền tệ) sẽ bị hạn chế”. Nỗ lực của chính phủ là "giọt nước tràn ly".
Đằng sau sự sụt giảm của đồng Yên kể từ đầu tháng 3 là quyết tâm kiên quyết của BOJ trong việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ vào thời điểm quan trọng khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia khác, đang tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất nhằm đánh bại lạm phát.
Ngày 22/9, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn của mình thêm 0,75 điểm phần trăm, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên tỷ giá âm ở châu Âu.
Lạm phát hiện chưa phải là mối quan tâm quá cấp bách ở Nhật Bản, với mức tăng giá vẫn tương đối chậm so với Mỹ và các nước châu Âu. Giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản trong tháng 8 đã tăng 2,8% so với một năm trước đó.
Trái ngược hẳn với việc Fed đã thực hiện chính sách tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào ngày 21/9 và còn có thể có các đợt tăng mạnh hơn sắp tới thì 1 ngày sau đó, ngày 22/9, BOJ vẫn quyết định giữ nguyên chính sách siêu lỏng của mình.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận sẽ chỉ làm tăng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, thu hút các nhà đầu tư vào đồng USD.
Khoảng cách chênh lệch lãi suất khó có thể sớm thu hẹp do Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết trong cuộc họp báo ngày 22/9 rằng ông không mong chờ việc tăng lãi suất trong tương lai gần để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
"Khi tôi nói 'trong thời điểm hiện tại,' ý tôi không phải là hai hoặc ba tháng. Tôi đang nói về hai hoặc ba năm", Thống đốc Kuroda cho biết.
Sức mạnh của đồng USD cũng phản ánh sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau cú sốc COVID-19.
Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities Co., cho biết: “Đồng Yên sẽ trở nên mạnh mẽ một cách tự nhiên khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu chậm lại, điều này sẽ chỉ có thể xảy ra đầu năm tới".
Các nhà phân tích cho rằng các nhà chức trách Nhật Bản có thể có hành động can thiệp trở lại nếu đồng USD leo lên khoảng 145 Yên, như đã thấy trong sự can thiệp hôm 22/9, và những thành viên trên thị trường sẽ lo lắng về việc vượt qua ranh giới đó.
Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, nói với các phóng viên sau sự can thiệp rằng Bộ "sẽ tiếp tục theo dõi các chuyển động ngoại hối với tâm thế cấp bách."
Các nhà phân tích cho rằng việc can thiệp vào việc mua vào đồng Yên khó hơn việc bán ra bằng đồng Yên do các nhà chức trách phải dựa vào nguồn dự trữ ngoại hối để bán trên thị trường.
Những người tham gia thị trường cũng hoài nghi rằng Nhật Bản có thể tiếp tục can thiệp vào thị trường hay không. Các nhà phân tích cho biết sẽ khó nhận được cái gật đầu từ các nhà chức trách Mỹ vì họ có thể lo ngại về việc đồng USD trượt giá đẩy chi phí nhập khẩu và lạm phát tăng lên.