Sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 cần phù hợp với thực tiễn và mang tính dài hạn

Ngô Hải| 24/03/2021 08:52
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bày tỏ sự thống nhất và đánh giá cao việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho rằng: Thông tư cần được sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn, mang tính dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, thuận lợi trong quá trình triển khai và ưu việt hơn, tạo điều kiện cho các TCTD triển khai đồng bộ nhằm hỗ trợ khó khăn cho khách hàng cũng như cho chính các TCTD.

Đây là một trong những nội dung chính của Công văn số 19/HHNH-PLNV báo cáo góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 được Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) gửi tới Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, trên cơ sở Công văn số 136/NHNN-TTGSNH ngày 11/1/2021 của NHNN về việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, HHNH đã có văn bản lấy ý kiến của các hội viên. HHNH cũng đã mời 18 ngân hàng thương mại - NHTM (gồm 4 NHTM nhà nước và các NHTM cổ phần lớn) tham gia trao đổi đóng góp ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 cùng đại diện của Cơ quan Thanh tra Giám sát, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế cùng tham dự và giải đáp thắc mắc.

Những vướng mắc, gây khó cho hoạt động của các TCTD

Công văn của HHNH cho biết, các NHTM tham gia rất nhiều ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 01, trong đó đặc biệt quan tâm và đề nghị sửa đổi một số nội dung cụ thể như sau:

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 quy định “Phát sinh nghĩa vụ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính”, các NHTM cho rằng, việc NHNN lấy mốc ngày 10/6/2020 là ngày Thủ tướng công bố hết giãn cách xã hội nhưng thực tế cho thấy, đó không phải là ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Hơn nữa lấy mốc ngày 10/6/2020 sẽ khó khăn cho các TCTD trong việc theo dõi và hạch toán kế toán. Vì vậy, đề nghị: "Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh thành trước ngày 30/6/2020 để phù hợp với chế độ hạch toán kế toán của khách hàng cũng như của ngân hàng".

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 4, cần cân nhắc đưa ra mốc thời gian từ ngày 21/3/2020 đến ngày 31/3/2021, các TCTD đều không hiểu mốc ngày 31/3/2021 là mốc thời gian nào? Cơ sở pháp lý khi đưa ra mốc ngày 31/3/2021 là như thế nào, trong khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) thì đại dịch năm 2021 còn đáng lo ngại hơn năm 2020. Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam hết dịch bệnh và các doanh nghiệp cũng như các TCTD vẫn đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch gây ra. Hơn nữa, chưa có cơ sở nào cho thấy đến ngày 31/3/2021 hết dịch.

Để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai, tránh phải sửa đổi nhiều lần trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm ngày 31/3/2021, đề nghị: "NHNN nên giữ nguyên thời điểm như Thông tư 01 hoặc cẩn trọng hơn thì cho đến ngày 31/12/2021".

Hay với quy định về "Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ...” tại Điểm b Khoản 3 Điều 4, đề nghị NHNN giữ nguyên như Điểm b Khoản 3 Điều 4 tại Thông tư 01 vì thực hiện theo Thông tư sửa đổi thì các khoản vay trung, dài hạn sẽ tạo áp lực cho khách hàng, khi các kỳ hạn chưa trả trước đó sau khi cơ cấu sẽ phải phân kỳ trả nợ trong vòng 12 tháng tiếp theo, dẫn đến khách hàng khó có khả năng trả nợ đúng hạn vì cho dù hết dịch bệnh thì khách hàng cần phải có thời gian khá dài để phục hồi, không thể phục hồi ngay mà trả nợ ngân hàng được, hơn nữa, rất khó khăn cho TCTD theo dõi, thực hiện theo Thông tư sửa đổi và Thông tư 01 đang áp dụng.

Đối với việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 và dự thảo Thông tư sửa đổi, HHNH cho là phù hợp. Tuy nhiên, HHNH cũng lưu ý: Nếu phân loại nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhiều lần trong thời gian được phép 12 tháng phải thực hiện theo quy định hiện hành (Thông tư 02) thì các khoản nợ cơ cấu sẽ chuyển nhóm tương ứng và TCTD sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, trong khi khoản nợ vẫn có thể thu hồi được.

"Vì vậy, nên quy định giao trách nhiệm cho TCTD đánh giá phân loại rủi ro đối với các khoản nợ có nguy cơ rủi ro thực sự đối với khoản nợ đã cơ cấu để trích dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02. Lý do không ai hiểu tính chất khoản nợ bằng TCTD nên giao cho TCTD tự xác định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và trích tối đa trong 3 năm, đồng thời phải báo cáo NHNN hàng tháng kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro", công văn của HHNH nêu rõ.

HHNH cũng cho rằng, với quy định như dự thảo Thông tư về "giữ nguyên nhóm nợ, phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro" sẽ dẫn tới việc khách hàng gặp khó khăn cho vay mới trong điều kiện TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro, không loại trừ khả năng khó thực hiện, các TCTD sẽ áp dụng luôn Thông tư 02 và lúc đó khách hàng sẽ phản ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Vì vậy, HHNH đề nghị: "NHNN cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi vừa an toàn hệ thống, đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa dễ cho TCTD thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TCTD vượt qua đại dịch COVID-19".

Cần thiết phải sửa đổi Thông tư 01 

Các NHTM đều thống nhất và đánh giá cao việc sửa đổi Thông tư 01 của NHNN. Các ngân hàng cũng cho rằng, sửa đổi Thông tư 01 rất cần thiết trong bối cảnh chưa xác định được khi nào Chính phủ công bố hết dịch và diễn biến dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới còn rất phức tạp. Vậy nên, việc sửa đổi sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các TCTD đang gặp phải khi triển khai Thông tư 01.

Để tạo điều kiện cho các TCTD triển khai đồng bộ nhằm hỗ trợ khó khăn cho khách hàng cũng như cho chính các TCTD, HHNH đề nghị: "Thông tư cần được sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn, mang tính dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, thuận lợi trong quá trình triển khai và ưu việt hơn so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN".

Bên cạnh đó, từ ngữ trong Thông tư sửa đổi cần được viết, diễn đạt một cách mạch lạc, dễ hiểu, thuận tiện khi triển khai cũng như làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra để không xảy ra tranh luận không cần thiết, hơn nữa cũng để cho doanh nghiệp có thể hiểu được để kiểm soát các TCTD khi triển khai. Đồng thời, khi đưa ra mốc thời gian áp dụng cụ thể cần nêu rõ cơ sở pháp lý đặt mốc thời gian quy định nhằm tránh phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Với các ý kiến nghị đóng góp nêu trên, HHNH kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông 01 đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động của các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 cần phù hợp với thực tiễn và mang tính dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO