Ngày 10/6, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ sở khoa học và thực tiễn chỉnh sửa Luật Báo chí 2016".
Hội thảo có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học về Luật Báo chí 2016.
Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ năm 2017. Sau 5 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, báo cáo nêu 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm tin rằng dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) từ trung ương đến địa phương, các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp, thì đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng.
Nhiều ý kiến nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo nhận định, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, Luật Báo chí năm 2016 nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Luật Báo chí 2016 cũng quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023. Đánh giá được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ TT&TT đã phối hợp với ĐH KHXH&NV và ĐH Luật Hà Nội tổ chức tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 cùng với hội thảo quốc gia cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Tại sự kiện này, các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016.
“Dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan QLNN từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nhà nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp thì đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tin tưởng.
Nhận diện một số khó khăn, thách thức của báo chí trong quá trình chuyển đổi số (CĐS)
Trong tiến trình thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí, truyền thông theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cơ quan báo chí được định hướng CĐS, trở thành công cụ hữu hiệu, định hướng thông tin mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nhìn nhận những khó khăn, thách thức đối mặt trong quá trình CĐS và phát triển đa nền tảng.
Thứ nhất, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử. Đây cũng là nguyên nhân khách quan bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số dẫn đến ranh giới giữa “báo” và “tạp chí” trên Internet hiện nay rất mong manh.
Thứ hai, tình trạng gỡ, sửa tin bài, cá biệt một số trường hợp việc sửa tin, bài vì động cơ vụ lợi cá nhân trên báo điện tử diễn ra khá phổ biến, Vấn đề này cần phải có quy định chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn khi sửa đổi Luật Báo chí 2016.
Thứ ba, Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng cần có các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhà báo khi tương tác với mạng xã hội (MXH); hỗ trợ công nghệ kiểm soát thông tin trên MXH phát sinh từ các tác phẩm báo chí: phát triển công cụ duyệt bình luận trên fanpage phù hợp đặc điểm Việt Nam; phát hiện và xử lý các thông tin vu khống, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu trên MXH…
Thứ tư, trong bối cảnh việc kiểm soát các thông tin trên MXH rất khó thực hiện như hiện nay thì cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị, công nghệ để các cơ quan báo chí chính thống có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông trên thị trường. Đồng thời, cũng cần có những quy định riêng kết hợp với Luật An ninh mạng 2018 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn nguồn thông tin trên các nền tảng MXH.
Thứ năm, về hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật của cơ quan báo chí chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí, cũng phù hợp với việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện; Có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số.
Thể chế hóa để phát huy tính tích cực, đáp ứng nhu cầu của công chúng và định hướng dư luận xã hội
Hiến kế để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng đề xuất: Luật Báo chí tạo các điều kiện để phát triển sự nghiệp báo chí cả về nội dung và hình thức nhằm đạt được yêu cầu báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải thực hiện tốt vai trò phản ánh, định hướng, hướng dẫn dư luận, làm lành mạnh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu chung là việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí là phải thể hiện tầm nhìn, phù hợp và thích ứng với tốc độ phát triển của báo chí hiện đại. Luật Báo chí bổ sung, sửa đổi cần cụ thể hóa đường lối của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt và cụ thể hóa rõ ràng để tránh dẫn đến tình trạng “báo hóa” Tạp chí điện tử, Trang TTĐT; Có quy định thêm về Hội nhà báo, cơ quan báo chí trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.
Ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về Văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở văn phòng đại diện ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin.
Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí (về nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, ngoại ngữ, tin học) để nâng cao chất lượng, hạn chế những sai sót của phóng viên. Cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo...
Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng đang phát triển mạnh mẽ này.
Sản phẩm của cơ quan báo chí đăng tải trên các nền tảng MXH cần có quy định trong bối cảnh MXH phát triển, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng. Theo We are social, Việt Nam hiện có 70 triệu người dân sử dụng MXH, chiếm 71% dân số. Xu hướng các cơ quan báo chí phát triển dòng thông tin, sản phẩm trên MXH sẽ gia tăng mạnh. Việc thực hiện đúng, phù hợp với mục tiêu chung của báo chí, phát huy tính tích cực trong đáp ứng nhu cầu của công chúng và định hướng dư luận xã hội cũng cần có quy định.
Thực tế, ngày 30/3/2022, Bộ TT&TT đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.
Như vậy, cùng với nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như các cơ quan báo chí tại hội thảo quốc gia này, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 sẽ được thực hiện phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.