(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nên được điều chỉnh lên mức 125 triệu đồng trong thời gian tới để phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. |
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khi trao đổi thông tin với báo chí về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức BHTG vừa công bố mới đây.
Thời điểm thích hợp để điều chỉnh tăng hạn mức BHTG
Theo quy định tại Luật BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Những năm đầu chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/9/1999. Đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.
Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng.
Mặc dù đã trải qua hai lần điều chỉnh, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay vẫn còn thấp và không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quy mô của hệ thống các TCTD cũng như nguyện vọng của người dân.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay.
Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) đã khuyến nghị, hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo bảo vệ toàn bộ được 90% - 95% người gửi tiền. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI.
“Hạn mức 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế. Do đó, nếu nâng mức BHTG lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về khả năng thực hiện nhiệm vụ của BHTGVN, từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, nhờ tích lũy, quản lý và đầu tư bài bản, đến hết năm 2019, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể, giúp BHTGVN luôn sẵn sàng chi trả khi cần thiết và là tiền đề để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
“Với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính BHTGVN, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nêu rõ.
Tăng hạn mức lên bao nhiêu là phù hợp?
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, thời gian qua, NHNN và các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống các TCTD đã từng bước được củng cố, chấn chỉnh và hoạt động an toàn, hiệu quả, trong đó các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trưởng và phát triển ổn định hơn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, hạn chế. Một số QTDND hoạt động yếu kém, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định chính trị, trật tự, xã hội tại các địa phương và an toàn hoạt động của hệ thống QTDND, điển hình là một số quỹ tại các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa...Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; cũng như nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ người gửi tiền tại các QTDND - đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra sự cố tại các Quỹ.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% QTDND. Hạn mức này cũng phù hợp với thông lệ, chuẩn mức quốc tế, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các TCTD Việt Nam.
“Vì vậy, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhất là người gửi tiền tại các QTDND”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho hay.