(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau khi đạt được nhiều thành tựu từ việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong năm ngoái, Việt Nam hiện đang chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất do biến thể Delta lây lan nhanh chóng hơn. Ước tính các ngành kinh tế đang hoạt động dưới 60% công suất, điều này khiến cho tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 17/8/2021, cả nước chính thức ghi nhận 289.225 trường hợp nhiễm COVID-19 và 6.472 trường hợp tử vong. Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 3 tháng chống dịch với các biện pháp dần thắt chặt từ Chính phủ để kiểm soát đại dịch bùng phát. Trong giai đoạn từ tháng 5-6, những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát đại dịch ở miền Bắc đã giúp cả nước đạt mức tăng trưởng GDP 6,6% trong quý II/2021 nhưng tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang phải căng mình đối phó với diễn biến xấu nhất từ làn sóng bùng phát COVID-19 thứ tư.
Đối diện với nhiều khó khăn, thách thức
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính các ngành kinh tế đang hoạt động dưới 60% công suất do các nguyên nhân sau:
Chính phủ đã áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất, lưu lượng di chuyển giảm đáng kể trong tháng 7/2021, thậm chí còn thấp hơn mức phong tỏa vào tháng 4/2020. Tính đến ngày 28/7/2021, dữ liệu của Google cho thấy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đã giảm 71% so với mức cơ sở trước COVID và các hoạt động đi lại đến các điểm bán lẻ và giải trí thấp hơn 66%. Tính đến cuối tháng 7/2021, 33/63 tỉnh và thành phố có nguy cơ lây nhiễm rất cao hoặc cao từ COVID-19 hiện đang thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với các hoạt động không thiết yếu, việc đi lại và di chuyển không cần thiết theo Chỉ thị của Chính phủ 16+, 16 hoặc 15. VDSC cho rằng, việc tiếp tục đóng cửa có thể gây ra những tác động kinh tế nghiêm trọng vì những khu vực này đóng góp tới hơn 70% GDP quốc gia.
Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, các nhà máy khẩn trương thực hiện các phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” (mô hình vừa sản xuất vừa cách ly), nếu không đáp ứng điều kiện các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Chiến lược này phần nào chỉ mang lại hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhất định và tùy thuộc vào quy mô công ty và khả năng tổ chức hoạt động sản xuất của họ. Theo ước tính của VDSC, ít nhất 70% doanh nghiệp sản xuất ở miền Nam phải trì hoãn việc sản xuất của họ ngay khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ngoài ra, các công ty có thể hoạt động theo mô hình sản xuất và kiểm dịch cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn và giảm 40-50% công suất.
Cũng theo VDSC, các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch COVID-19 hiện đang mang đến nhiều khó khăn hơn đối với hoạt động logistic và chuỗi cung ứng sau hơn một tháng phong tỏa. Do các hạn chế đi lại của từng địa phương khác nhau, các công ty logistic ngày càng lo ngại về việc tăng chi phí và thời gian cần thiết cho các tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, việc chậm trễ vận tải đường bộ và đóng cửa nhà máy cũng gây áp lực lớn lên hoạt động của cảng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Theo IHS Markit, sự gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng đã được ghi nhận vào tháng 7/2021, với mức độ chậm trễ giao hàng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu hơn một thập kỷ trước.
Bước sang quý III/2021, hoạt động kinh tế mất đà tăng trưởng đã đạt được trong nửa đầu năm 2021 do các biện pháp ngăn chặn chặt chẽ được áp dụng để kiểm soát sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới. Điều này được phản ánh trong số liệu thống kê của tháng 7/2021 với doanh thu bán lẻ (-19,8% yoy so với + 4,9% yoy trong 6 tháng 2021), sản xuất công nghiệp (+ 2,2% yoy so với 9,3% yoy trong 6 tháng 2021), PMI sản xuất (45,1 trong tháng 7 so với mức trung bình là 51,4 trong 6 tháng 2021) và tổng xuất khẩu (+ 8,6% yoy so với 29,1% yoy trong 6 tháng 2021).
Các ngành du lịch, khách sạn và hàng không gần như đi vào bế tắc, các ngành dịch vụ và xây dựng khác cũng chịu tác động nặng nề trong khi tăng trưởng ở lĩnh vực sản xuất cũng bị kéo xuống mức thấp.
Triển vọng kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm vắc xin
Với diễn biến phức tạp của làn sóng dịch lần thứ tư, giới chuyên môn cho rằng, triển vọng kinh tế nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của việc ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm vắc xin. Theo quy định của Chính phủ về đánh giá mức độ rủi ro COVID-19 (Quyết định 2686/QĐ-BYT), nếu tỷ lệ người dân xét nghiệm dương tính với vi rút dưới 1/100.000 dân (tức là TP. Hồ Chí Minh dưới 100 trường hợp) trong ít nhất hai tuần, thì thành phố sẽ được xét ở mức “Bình thường mới”.
Giả định về trường hợp cơ sở VDSC cho biết, với các chỉ thị nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 8/2021, sự đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP. Hồ Chí Minh đang dần có những bước chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại trong quý IV/2021.
"Chúng tôi cho rằng chi tiêu hộ gia đình và các ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng âm trong quý III/2021. Trong quý IV/2021, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế sẽ phục hồi ở mức thấp do những ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch lên thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và ngân sách của Chính phủ, bảng cân đối của doanh nghiệp và túi tiền hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiến độ đầu tư công có thể không như mong muốn do các biện pháp kiểm soát COVID-19 và Chính phủ có thể cần phải sử dụng nguồn lực tài khóa cho mục tiêu phòng chống dịch", các chuyên gia của VDSC nhận định.
Trên cơ sở đó, VDSC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 4,0% so với ước tính trước đó là 5,6% với các ước tính về sản xuất, tiêu dùng và đầu tư được cắt giảm để phản ánh tác động tiêu cực của việc áp dụng các chính sách thắt chặt đối với các hoạt động trong nước và năng lực sản xuất cũng như việc nâng cao các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Nếu các biện pháp thắt chặt tiếp tục kéo dài sau tháng 8/2021, dự báo của VDSC có thể tiếp tục suy giảm.
Ngoài ra, rủi ro về hạn chế nguồn cung vắc xin có thể khiến Việt Nam chịu áp lực trong việc phục hồi kinh tế trong quý IV/2021. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành mục tiêu vắc-xin nhanh hơn và các hỗ trợ chính sách kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ suy giảm kinh tế. Nếu nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý III/2021, các chuyên gia của VDSC dự báo: "khả năng tiếp tục chính sách cắt giảm lãi suất và gói tài khóa khác để hỗ trợ nền kinh tế".
Với tiến độ tiêm vắc-xin hiện nay, VDSC dự báo sẽ có ít khả năng xảy ra các đợt cách ly xã hội trên diện rộng, điều này tạo nền tảng khả quan hơn cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trở lại.
Cụ thể, kịch bản cơ sở của VDSC giả định rằng Việt Nam sẽ đạt được tình trạng “Bình thường mới” - khi 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng - điều này sẽ cho phép hầu hết các ngành kinh tế mở cửa trở lại, việc lưu thông giữa các tỉnh được tiếp tục và nới lỏng hơn đối với các hoạt động xã hội.
"Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% vào năm 2022, với sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Rủi ro đối với dự báo của chúng tôi vẫn nghiêng về phía giảm do sự không chắc chắn về dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng, các tác động kinh tế tiêu cực kéo dài lên hộ gia đình, doanh nghiệp và hạn chế về chính sách hỗ trợ", VDSC dự báo. "Do khả năng xảy ra các làn sóng Delta và các biến thể mới sẽ đi kèm cùng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh là một rủi ro rõ rệt vào năm 2022, sự phục hồi sẽ còn khó khăn và tương đối chậm đối với một số lĩnh vực như du lịch, lữ hành và bán lẻ".