Vấn đề - Nhận định

Tạo nền tảng để đón “sóng” đầu tư vào các dự án công nghệ cao

Văn Giáp 28/03/2024 - 15:11

Xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu đang diễn ra khá mạnh mẽ. Các nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia sản xuất công nghiệp trên thế giới đã và đang tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư.

khcn-trong-nganh-cong-thuong.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều tiềm năng và an toàn cho nhà đầu tư ngoại

Nhận định về tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhìn lại cả quá trình phát triển hệ thống KCN thời gian qua và kết quả thu hút đầu tư nước ngoài gần đây có thể nhận thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT).

“Số lượng vốn FDI vào các KCN, KKT trong những năm vừa qua thường chiếm tới 60-70% lượng vốn FDI thư hút được trong cả nước. Tỷ lệ này vẫn đang trong chiều hướng tăng lên”, TS. Phan Hữu Thắng chia sẻ và cho biết: “xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu đang hiện hữu và không thể phủ nhận được. Để chủ động đón dòng đầu tư này, vai trò của các KCN hiện nay rất lớn”.

Thống kê cho thấy, qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống KCN, hiện nay trên cả nước đã có 416 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 26 KKT cửa khẩu được thành lập lập ở 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha, 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871.523 ha.

Trong đó, có 4 khu công nghệ cao (KCNC) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với tổng diện tích 3.834,8 ha, gồm: KCNC Hòa Lạc (1.586 ha), KCNC TP. Hồ Chí Minh (913 ha), KCNC Đà Nẵng (1.218 ha) và KCNC công nghệ sinh học Đồng Nai (207,8 ha);

Đến nay, có 6 khu công nghệ thông tin tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, với tổng diện tích 237,3 ha; và hơn 1.000 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 31.000 ha, trong đó có 748 cụm công nghiệp với tổng diện tích 23.950 ha đã đi vào hoạt động.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu: đến 2030 Việt Nam sẽ “là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại” và đến 2050, trở thành “nước phát triển thu nhập cao”, “thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”. Việt Nam chú trọng “phát triển nền công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và giá trị toàn cầu”, “ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, nhất là điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học”...

TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) nhận định, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, cùng với đó là sự ổn định về chính trị, xã hội với thị trường hơn 100 triệu dân, một Chính phủ kiến tạo với các chính sách quyết liệt và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi số... nhiều địa phương thực hiện chiến lược “xây tổ đón đại bàng” … đã và đang tạo ưu thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới.

Đối với các lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ luôn được Chính phủ Việt Nam, hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm hỗ trợ; cũng như các doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam luôn mong muôn đồng hành, cùng triển khai hợp tác kinh tế - thương mại”.

Sẵn sàng chào đón các “đại bàng” trong sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” tổ chức mới đây, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ các định hướng, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực có khả năng phát triển đột phá sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển... Trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh cũng là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Để thu hút các “đại bàng” lớn trên thế giới đầu tư, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ví như: Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn; thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương (hạ tầng đất đai, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội…) đã được đảm bảo sẵn sàng…

Dẫu vậy, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới.

Trong bối cảnh đó, để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử, bán dẫn, sản xuất thông minh, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này. Trước hết, phải có lộ trình chiến lược, hướng đi bài bản, căn cơ. Thứ hai, nhanh chóng triển khai để đáp ứng được ngay nhu cầu về nguồn nhân lực. Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

“Với quyết tâm cao, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này nói riêng, tôi tin tưởng rằng trong thơi gian tới hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của Chính phủ cũng như cộng đồng các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ và nhấn mạnh: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, bán dẫn đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng để đón “sóng” đầu tư vào các dự án công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO