Thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 124% về lượng

Minh Hoàng| 28/12/2020 11:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và thanh toán dịch vụ công trong năm 2020 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực thanh toán và phát triển ngân hàng số cũng phát triển mạnh mẽ.

Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng năm 202, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hoạt động thanh toán trong năm nay có sự tăng trưởng mạnh.

Đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019);

Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Đánh chú ý, Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch bán lẻ đã được đưa vào vận hành chính thức từ đầu tháng 7/2020 và hệ thống ngân hàng đã hoàn thành kết nối tới Cổng dịch vụ công Quốc gia cho phép thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác bằng nhiều hình thức thanh toán khác nhau.

Vụ Thanh tóan cho biết, năm 2020 cũng chứng kiến nhiều TCTD chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/ học máy, Blockchain, eKYC,… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng; kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng công nghệ thông tin, khiến số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc.

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động TTKDTM, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành Ngân hàng cũng chủ động và triển khai kịp thời nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần giải quyết những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể:

Đối với phí chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống TTĐTLNH: Tất cả các ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH từ ngày 1/4/2020 - 31/12/2020 cho khách hàng tương đương với số tiền giảm phí mà NHNN đã giảm theo Thông tư 04/2020/TT-NHNN. Hiện NHNN đang dự thảo Thông tư để kéo dài thời gian giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH đến hết ngày 30/6/2021 nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch.

Đối với phí chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống 24/7 của NAPAS: 100% ngân hàng đã tham gia thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với các giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống), theo đó, khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua NAPAS được miễn hoặc giảm phí .

Đồng thời, 100% TCTD đều thực hiện miễn phí đối với các giao dịch thanh toán điện tử, giao dịch các dịch vụ công; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ về định hướng, giải pháp thúc đẩy TTKDTM thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, trong năm 2021, NHNN tập trung hoàn thành các giải pháp về thanh toán đã đề ra, cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, trong đó tập trung hoàn thành trình Chính phủ: Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng); nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.

Hai là, tiếp tục mở rộng triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH), qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có thanh toán dịch vụ công.

Ba là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN4.0 trong hoạt động thanh toán, tăng cường hợp tác ngân hàng-Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng.

Bốn là, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 124% về lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO