(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng 26/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì Hội nghị giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020.
Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, sau hai tháng chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp các ngành, tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các Bộ ngành đã có sự tiến bộ. Ước thực hiện hết tháng 8 năm 2020 đạt tỷ lệ 21,64% dự toán được giao. Với nỗ lực của các Bộ, ngành tỉ lệ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài theo kế hoạch năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư cồng nguồn vay nước ngoài vẫn còn thấp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì Hội nghị |
Đại diện các Bộ, ngành tham dự Hội nghị đều cho rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài. Hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, dù là Bộ có kết quả giải ngân khá cao so với bình quân chung của cả nước, song Bộ Giao thông Vận tải cũng gặp khó khăn không ít khi triển khai các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho dự án dẫn đến các khâu đều bị chậm so với kế hoạch và ảnh hưởng tới kết quả giải ngân.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, cuối năm 2019 đầu năm 2020, lãnh đạo Bộ này đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các trưởng ban quản lý dư án cam kết tiến độ giải ngân theo từng tháng, từng quý. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid – 19 khiến hai dự án lớn của Bộ tại Bến Tre, Thanh Hoá và Nghệ An bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân thứ hai được chỉ ra tại Hội nghị là do những vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Từ đầu năm 2020 đến nay, qua theo dõi của Bộ Tài chính đã có 9 hiệp định vay của các Bộ, ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài dẫn đến một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.
Một phần nguyên nhân chậm giải ngân cũng phải kể tới đó là việc bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các Bộ, ngành còn tập trung giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các Bộ, ngành đã giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn của năm 2019 là 2.420 tỷ đồng.
Một vướng mắc của rất nhiều Bộ, ngành là vấn đề chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài. Qua các đợt làm việc, rà soát trực tiếp với các chủ dự án hai tháng vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những khoản đã rút về tài khoản đặc biệt nhưng chưa sử dụng và chậm hoàn chứng từ trị giá xấp xỉ 190 tỷ đồng.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như: chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, các vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới cũng làm cho việc giải ngân đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài bị chậm.
6 giải pháp, kiến nghị của Bộ Tài chính
Với tốc độ giải ngân như hiện nay và những khó khăn vướng mắc nêu trên, ông Hoàng Hải cho rằng, nếu các bộ, ngành không có giải pháp quyết liệt thì sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ giao.
Về phía Bộ Tài chính, ông Hải cho biết, để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã kiến nghị nhiều giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính và các Bộ, ngành. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Bộ, ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ KHĐT tổng hợp, cân đối trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.
Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán.
Những chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành báo cáo Bộ KHĐT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để chiều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký.
Đối với các nội dung về tài chính, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi KBNN để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định. Các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm, chỉ đạo các chủ dự án vào các ngày 15 và 30 hàng tháng chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng Bộ, ngành….
Đại diện các Bộ Giao thông Vận tải phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Bên cạnh các kiến nghị của Bộ Tài chính, tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành cũng đã chia sẻ một số giải pháp và đưa ra những kiến nghị để từ nay tới hết năm 2020, các Bộ, ngành sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thường xuyên rà soát để khắc phục khó khăn, vướng mắc một cách triệt để
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá những nội dung trao đổi tại “Hội nghị với các Bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020” mang nhiều ý nghĩa. Qua các trao đổi, thảo luận tại Hội nghị đã giúp các Bộ, ngành nắm bắt được những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế để có giải pháp thúc đẩy giải ngân những cuối tháng năm.
Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính rà soát số liệu giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài. Đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục giải ngân rút vốn và tạm ứng vốn, hoàn lại chứng từ theo đúng quy định. Đối với các dự án phải điều chỉnh thời hạn giải ngân, chủ trương đầu tư, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT để trình Thủ tướng, trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ trao đổi đàm phán nhà tài trợ để điều chỉnh hiệp định vay. Thứ trưởng cũng cho biết, từ nay tới cuối năm các Bộ, ngành sẽ tổ chức giao ban hàng tháng và cùng nhau ngồi rà soát, xét kĩ hơn về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài để các khó khăn, vướng mắc được khắc phục một cách triệt để nhất…