Tháo gỡ vướng mắc đưa kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững

Ngô Hải| 02/03/2023 14:01
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 2/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp”, với mục tiêu tạo diễn đàn, cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng trao đổi, thảo luận, tìm ra các khoảng trống pháp lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã.

Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì, với sự tham dự của đại diện: các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN; Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các TCTD, các hợp tác xã (HTX).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quá trình hình thành và phát triển HTX trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Ở Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo số liệu thống kê, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, duyên hải miền trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ).

“Căn cứ định hướng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam và trên thế giới, có thể khẳng định: Phát triển kinh tế HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc đưa kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững

Vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế hợp tác xã

Phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, NHNN đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ.

Qua 20 năm (2002-2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tuy vậy, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh…

Số liệu thống kê được bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN công bố tại hội thảo cho biết, đến nay có trên 40 TCTD tham gia cho vay kinh tế tập thể, HTX. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ. Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các NHTM nhà nước chiếm trên 70%; nhóm NHTM cổ phần chiếm 19%; nhóm khác (ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng Nhân dân) chiếm 11%.

Về phân loại đối tượng cho vay: Dư nợ cho vay các HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 52%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX giao thông, vận tải chiếm 15%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 13%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX xây dựng chiếm 9,7%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX trong các lĩnh vực khác và cho vay tổ tổ hợp tác chiếm 10,3%.

Thời hạn cho vay: vay vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), vay trung và dài hạn (33%).

Bà Phạm Thị Thanh Tùng đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chưa cao, là do:

Thứ nhất, nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; chưa chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, thiếu vốn tự có, không có tài sản bảo đảm; thiếu công khai, minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản bảo đảm,... nên chưa đủ cơ sở để các TCTD thẩm định quyết định cho vay.

Thứ hai, quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết, chưa tạo động lực cho các thành viên tham gia vào HTX, nhiều thành viên của HTX tự vay vốn tại các TCTD phục vụ sản xuất kinh doanh, mua các nguyên vật liệu đầu vào thay vì thông qua HTX.

Thứ ba, một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đại diện Agribank phát biểu tại hội thảo cũng cho biết, nguyên nhân dẫn dư nợ tín dụng cho vay HTX vẫn còn hạn chế là do: nhiều HTX chưa đáp ứng được điều kiện đăng ký vốn (quy mô nhỏ, phương án sản xuất không khả thi…); chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh (năng lực tài chính, cơ sở vật chất… còn kém, vốn tự có không đáp ứng được yêu cầu ngân hàng…); đối tượng vay là HTX chứa đựng nhiều rủi ro…; Chưa có tính liên kết (chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với đầu vào – sản xuất – tiêu thụ sản phẩm).

Tại hội thảo, đại diện HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cũng cho biết, bên cạnh việc tiếp cận vốn ngân hàng còn nhiều khó khăn do không đủ điều kiện vay, thì các HTX cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn vì đầu tư chưa bài bản; thiếu vốn đầu tư công nghệ mở rộng sản xuất kinh doanh; thiếu dòng tiền quay vòng cho chu kỳ sản xuất và dự trữ các nguyên vật liệu; thiếu đất sản xuất, hiện nay các HTX đa số là đi thuê đất để hoạt động là chính rất ít HTX được giao đất….

Giải pháp đưa kinh tế HTX vượt qua khó khăn

Để tháo gỡ những khó khăn các HTX gặp phải, đại diện HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì đề nghị, được tạo điều kiện về vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, theo hướng: giảm bớt các điều kiện được vay vốn; có cơ chế cho các HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi; thời gian cho vay đối với sản xuất nông nghiệp có thời gian vay dài tối thiểu từ 10 năm trở lên… Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng đề nghị cho các HTX được tạo điều kiện về quỹ đất, cũng như có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tháo gỡ những khó khăn cho HTX phát triển hiệu quả và bền vững.

Về phía NHTM, đại diện Agribank đề nghị Quốc hội, nghiên cứu bổ sung, sửa đổỉ Luật HTX 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới. Nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên trên 20% để khuyến khích tăng nguồn vốn huy động cho hợp tác xã. Bổ sung các chính sách bảo hiểm cho hợp tác xã và thành viên. Đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được ghi thành khoản mục riêng trong Dự toán ngân sách nhà nước….

Với Chính phủ và bộ, ngành, đại diện Agribank đề nghị, cần thí điểm và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả phù hợp với các điều kiện vùng, miền địa phương. Vận động HTX thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX. Tập trung tháo gỡ khó khăn, để các HTX yếu kém củng cố tổ chức lại hoạt động, sản xuất kinh doanh… Tăng cường đầu tư của nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho kinh tế tập thể, trong đó HTX là nòng cốt.

Còn theo TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để hỗ trợ tài chính cho HTX hình thành và phát triển, Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi… hay dùng một phần ngân sách để tạo lập một hệ thống các quỹ hỗ trợ tài chính. Các HTX vay vốn từ các TCTD bằng hình thức thế chấp (trong đó được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay), tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

“Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc thúc đẩy tín dụng cho HTX là đa dạng và dưới nhiều hình thức. Từ đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước để định hướng phát triển các HTX và áp dụng phù hợp vào điều kiện thực tế của Việt Nam”, TS. Phạm Minh Tú nhấn mạnh.

Với giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, bám sát chủ trương tại Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022  của Ban Chấp hành Trung ương về việc “tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả“, Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ ngày 2/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số nhiệm vụ:

(i) Cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chinh phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật;

(ii) Thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của HTX; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với HTX ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế; thường xuyên nắm bắt và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vay vốn của HTX, trong đó chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc đưa kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO