Tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án dân sự

Bùi Trang| 25/11/2022 18:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 25/11, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD thông qua thi hành án dân sự. Hội thảo có sự tham dự của ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cùng tham dự Hội thảo còn có: ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ông Nguyễn Hải Nam, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; ông Chu Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai.

Ngoài ra, còn có: đại diện một số vụ, cục thuộc Ngân hàng Nhà nước; Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp; đại diện Tòa án nhân dân Tối cao; Bộ Công an; Tổng cục Thuế; đại diện CLB Pháp chế và các TCTD hội viên Hiệp hội Ngân hàng…

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN đánh giá thời gian qua hoạt động thi hành án dân sự nói chung, thi hành án kinh doanh thương mại nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ Tư pháp và NHNN phối hợp triển khai Quy chế số 01/QCPH/NHNNVN-BTP về việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng như: hàng năm tổ chức các Hội nghị rà soát công tác thi hành án; Tại một số địa phương, NHNN và Cơ quan thi hành án đã ký kết quy chế phối hợp, tổ chức họp liên ngành để lắng nghe các vướng mắc.

Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và NHNN mặc dù đã thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng trên thực tế còn tồn tại, bất cập, chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm; lượng án tín dụng ngân hàng tồn đọng khối lượng lớn, trong khi khối lượng án phát sinh thêm hàng năm vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến quá tải trong thi hành các bản án tín dụng ngân hàng tại các cơ quan thi hành án.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay là do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cả từ phía bản thân các TCTD.

“Để công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành Ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn, nhất là công tác xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án, ngoài việc hoàn thiện thể chế, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục Thi hành án nhấn mạnh công tác xử lý tài sản bảo đảm là nhiệm vụ quan trọng trong công tác thi hành án dân sự nói chung và trong công tác thu hồi tiền tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng. Theo thống kê, số lượng vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng mà cơ quan thi hành án dân sự thụ lý thi hành chiếm tỷ lệ không lớn về việc nhưng lại chiếm tỷ lệ rất lớn về tiền trong tổng số các khoản mà cơ quan thi hành án dân sự phải thu. Với việc thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các TCTD, ngân hàng sẽ góp phần quan trọng giải phóng một nguồn lực lớn cho xã hội và cho nền kinh tế.

Thời gian qua, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thi hành án dân sự và hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã có sự phố hợp hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các TCTD. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tiền tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn hạn chế.

“Với mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD thông qua thi hành án dân sự, tại diễn đàn hôm nay, Tổng cục Thi hành án dân sự mong muốn được lắng nghe các đại biểu tham gia thảo luận, trao đổi thẳng thắn, khách quan, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác này, đưa ra những ý kiến đề xuất xác đáng về giải pháp để đẩy mạnh công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng nói chung và công tác xử lý tài sản bảo đảm nói riêng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quang Thái nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo về các vướng mắc các TCTD đang gặp phải trong thi hành án, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong những năm qua, pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, nhất là pháp luật về thi hành án dân sự, kinh doanh thương mại cơ bản đã được hoàn thiện, tổ chức bộ máy, đội ngũ chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, đã góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, đặc biệt là các ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác thi hành án dân sự, kinh doanh thương mại đối với hoạt động ngân hàng còn tồn tại rất nhiều bất cập chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho TCTD - bên nhận bảo đảm.

Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay chia thành 2 nhóm chính do: quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng; quá trình áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng…

Trước hàng loạt các vướng mắc, khó khăn đặc biệt là các vấn đề phát sinh từ Luật Thi hành án dân sự, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, cần phải có giải pháp đột phá là sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan; đồng thời, khẩn trương ban hành riêng quy trình xử lý tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, vốn góp nhất là các nội dung về việc xác định giá trị phần vốn góp, cách kê biên, thẩm định, bán đấu giá phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu… Trình tự thủ tục thi hành án cũng cần quy định rõ hơn thời hạn cụ thể từ lúc thụ lý thi hành án, xác minh, kê biên, tổ chức cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản, thanh toán tiền…

Phát biểu tại hội thảo, đại diện BIDV cho biết, ngân hàng này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thi hành án dân sự cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác xử lý tài sản bảo đảm. Đại diện BIDV đề nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép tất cả các bên liên quan trong quá trình đấu giá tài sản thi hành án đều có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thay vì quy định chỉ có người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên được khởi kiện như hiện nay.

Đại diện Vietcombank nêu tình trạng chủ tài sản liên tục tạo tranh chấp giả về quyền sở hữu tài sản bảo đảm, khởi kiện ra tòa để lợi dụng quy định về việc cơ quan thi hành án phải tạm dừng thi hành án khi tài sản bảo đảm có tranh chấp về quyền sở hữu, kéo dài thời gian thi hành án. Trong khi đó, chủ tài sản vẫn tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản để kinh doanh thu lợi.

Với những khó khăn đang gặp phải, đại diện Vietcombank kiến nghị Bộ Tư pháp triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đấu giá tài sản, thi hành án và sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất,  áp dụng đấu giá theo thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản.

Đại diện VietinBank cho biết, trong quá trình cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá tài sản thì doanh nghiệp đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản gây kéo dài, khó khăn cho việc xử lý tài sản nên người được thi hành án chậm thu hồi được tiền. Thời hạn giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án kéo dài, dẫn đến việc chậm xử lý tài sản, thu hồi nợ.

Đại diện Vietinbank đề nghị Bộ Tư Pháp tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014. Trước khi cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản, tài sản đó được cơ quan thi hành án dân sự thu giữ, quản lý để xử lý. Nếu được pháp luật quy định như vậy thì mới thu hút được người tham gia đấu giá tài sản, tránh thiệt hại cho các bên được cũng như bên phải thi hành án.

Trong thời hạn hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án. Quy định như vậy không chỉ tạo điều kiện cho người phải thi hành án trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, mà còn thiệt hại đến lợi ích của TCTD. Do vậy, đại diện VietinBank đề nghị Quốc hội sửa đổi bỏ quy định này. Đồng thời, nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi quy định về thời hạn niêm yết bán đấu giá tài sản giữa Luật Thi hành án dân sự cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản.

Đại diện VietinBank cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản. 

Đại diện Agribank cũng nêu tình trạng quá trình thi hành án kéo dài do đương sự không hợp tác, chống đối, tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án bằng cách tạo ra các tranh chấp, khiếu nại, gửi đơn khiếu kiện đến Tòa án các cấp để được thụ lý và có yêu cầu hoãn thi hành án theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, đại diện Agribank kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thiện pháp luật có quy trình thủ tục riêng đối với thi hành án tín dụng, ngân hàng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ đảm bảo rút ngắn thời gian thi hành án, đẩy nhanh thủ tục kê biên tài sản bảo đảm.

Tại Hội thảo, ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, theo số liệu thống kê năm 2022, các cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 76 tổ chức tín dụng, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.

Số phải thi hành là 37.058 việc, tương ứng với số tiền là 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống). Trong đó, số có điều kiện thi hành là 22.473 việc (chiếm 60,64%), tương ứng 74.250 tỷ đồng (chiếm 54,07%).

Đã thi hành xong số việc là 6.215 việc (đạt 27,66% trên số có điều kiện), tăng 1.712 việc so với cùng kỳ năm 2021, số tiền thu được là 22.544 tỷ đồng (đạt 29,41% trên số có điều kiện), tăng 4.297 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thi hành xong năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,39% về việc, tăng 4,1 % về tiền.

Như vậy, số lượng các vụ việc thi hành án liên quan đến các khoản nợ xấu tại các cơ quan thi hành án dân sự đang chiếm tỷ lệ lớn. Để đẩy nhanh thi hành án tồn đọng, có biện pháp cụ thể và khả thi trong quá trình thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp khác để đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản nợ xấu.

Theo đó, hoàn thiện khung pháp lý liên quan như trình Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm (thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP); đề nghị xây dựng “Luật các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”; tổng kết Luật Thi hành án dân sự tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo lộ trình; trình Chính phủ thông qua “Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh, thương mại". Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với NHNN, các TCTD tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án.

Toàn cảnh hội thảo

Đại diện Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, NHNN và Bộ Tư pháp Quy chế đã ký kết Quy chế phối hợp 01/QCLN/NHNNVN-BTP trong công tác thi hành án dân sự và đã đạt được nhiều kết quả tích cực sau 7 năm triển khai. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp, NHNN đề nghị Tổng Cục thi hành án dân sự tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp. Kiểm tra, rà soát trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong việc thi hành án…

Phát biểu thảo luận tại hội thảo, ông Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, thi hành án là công tác rất khó khăn, đề nghị tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo, tháo gỡ khó khăn, tiến tới sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án dân sự. Các kiến nghị tại hội thảo có nhiều vấn đề cụ thể, các bên liên quan cần cần có chính sách tháo gỡ ngay; đồng thời, phối hợp giữa các cơ quan thống nhất ở cấp bộ, ngành rồi kiến nghị sửa đổi Luật.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ 11, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể về kê biên tài sản hình thành trong tương lai dẫn đến khó thi hành án. Hiện nay, không có quy định về kê biên bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản vì theo quy định, quyền khai thác không phải quyền sở hữu, giá trị quyền khai khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền xác định không phải do doanh nghiệp định đoạt. Có tình trạng chênh lệch giá trị tài sản khi ngân hàng thẩm định giá để cho vay và khi định giá để bán đấu giá tài sản. Nhiều vấn đề cần phải có sự phối hợp các bộ ngành, tham mưu Quốc hội tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết sắp tới sẽ có Nghị định mới về đăng ký giao dịch bảo đảm tháo gỡ nhiều khó khăn cho các TCTD.

Sau phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Thái cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến và có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Hiện, Luật Thi hành án dân sự đang tiến hành tổng kết, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, có thể sửa đổi một số Nghị định để tháo gỡ ngay, cùng với đó là việc sửa đổi một số Luật chuyên ngành khác, trong đó có Luật đấu giá tài sản…

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Hiệp hội sẽ tập hợp ý kiến các tổ chức hội viên để kiến nghị các bộ, ngành liên quan, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi. Sắp tới NHNN sửa Luật Các TCTD, Hiệp hội sẽ tập hợp các nội dung liên quan xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ… để đưa vào Luật. Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi các nội dung còn khó khăn vướng mắc tại các văn bản khác.

"Sau Hội thảo, đề nghị các TCTD tiếp tục rà soát các nội dung khó khăn vướng mắc gửi về Hiệp hội. Hiệp hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thi hành án để đề xuất tháo gỡ, thực hiện theo quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và NHNN", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án dân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO