Vào thời điểm mà thế giới tài chính dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, hiểu biết về tài chính có một tầm quan trọng mới. Biết cách hoạch định trong thế giới tài chính này là rất quan trọng, nhưng liệu những người trẻ tuổi có chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra các quyết định tài chính của riêng mình dù có cả thế giới trong tầm tay của họ? Trong tài chính, cũng như trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, kiến thức là sức mạnh. Xây dựng hiểu biết tài chính vững vàng khi còn trẻ sẽ giúp Gen Z tìm được vị trí ngọt ngào (điểm cân bằng tối ưu) không chỉ trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân mà còn trong mọi ước mơ mà họ muốn theo đuổi.
Tóm tắt: Vào thời điểm mà thế giới tài chính dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, hiểu biết về tài chính có một tầm quan trọng mới. Biết cách hoạch định trong thế giới tài chính này là rất quan trọng, nhưng liệu những người trẻ tuổi có chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra các quyết định tài chính của riêng mình dù có cả thế giới trong tầm tay của họ? Trong tài chính, cũng như trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, kiến thức là sức mạnh. Xây dựng hiểu biết tài chính vững vàng khi còn trẻ sẽ giúp Gen Z tìm được vị trí ngọt ngào (điểm cân bằng tối ưu) không chỉ trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân mà còn trong mọi ước mơ mà họ muốn theo đuổi.
Từ khóa: gen Z, tài chính cá nhân, tiết kiệm, miễn phí vận chuyển, hoàn tiền
Gen Z and personal finance
Abstract: At a time when the financial world is more accessible than ever, financial literacy takes on new importance. Knowing how to make things well planned in this world is important, but are young people readily prepared to make their own financial decisions when they hold the whole world within their fingertips? In finance, as in many areas of life, knowledge is power. Building a solid financial literacy at a young age will help Gen Z find their sweet spot (optimal equilibrium) not only in the realm of personal financial management, but in every dream they want to pursue.
Keywords: Gen Z, personal finance, savings, freeship, cashback
Gen Z trưởng thành
Gen Z (Generation Z), hay còn gọi là thế hệ Z, là thuật ngữ chỉ nhóm người sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012. Thế hệ Gen Z trưởng thành hiện nay đã tốt nghiệp phổ thông trung học, đang học đại học hoặc đi làm được vài năm. Đến năm 2025, ước tính Gen Z sẽ chiếm 1/4 dân số châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.
Được sinh ra và lớn lên vào thời kỳ khoa học công nghệ, internet bùng nổ, Gen Z mang nhiều điểm khác biệt với thế hệ trước. Họ là "thổ dân" của không gian kỹ thuật số. Về tính cách, đây là một thế hệ cá tính, thích thể hiện bản thân. Họ có điều kiện tiếp cận khối lượng thông tin khổng lồ và sẵn sàng tham khảo chéo nhiều nguồn thông tin, tích hợp giữa trải nghiệm ảo với trải nghiệm thực tế.
Xuất phát từ đặc điểm trên, Gen Z trưởng thành sớm, có tinh thần tự lập cao, có tư duy kiếm tiền và chi tiêu khác biệt.
Độc lập sớm: Với tinh thần độc lập từ rất sớm, Gen Z có xu hướng bắt đầu tìm kiếm cơ hội kiếm tiền ngay từ khi còn đang đi học. Họ sẵn sàng khám phá, thảo luận sôi nổi về các chủ đề về cơ hội nghề nghiệp, khởi nghiệp.
Mua sắm và sử dụng dịch vụ tài chính trực tuyến: Sinh ra trong thời đại bùng nổ internet và kỹ thuật số phát triển vượt bậc, Gen Z sớm tiếp cận và hình thành thói quen mua sắm trên các trang thương mại điện tử với đa dạng các hình thức thanh toán trực truyến, như: thẻ tín dụng/ATM, quét mã thanh toán QR-code hoặc ví điện tử.
Coi trọng khuyến mại, ưu đãi hay giá trị gia tăng nhỏ lẻ: Đối với các “tín đồ” mua sắm, những hình thức ưu đãi trực tiếp, có tính thanh khoản cao như miễn phí vận chuyển (free ship), hoàn tiền (cashback) được đặc biệt ưa thích, thậm chí còn hơn cả áp dụng voucher giảm giá hay tích điểm đổi quà.
Cái nhìn của Gen Z về tài chính cá nhân
Hầu hết người trẻ Gen Z quan tâm tới kiến thức tài chính. Khảo sát tại Mỹ cho thấy 84% Gen Z học cách quản lý tiền bạc từ bố mẹ và gia đình1. Điều quan trọng là cha mẹ phải đưa ra câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, vì bối cảnh xã hội có sự khác biệt theo thế hệ nên kinh nghiệm quản lý tiền bạc của bố mẹ nhiều khi không còn phù hợp với thời hiện đại. Ví dụ: các dịch vụ ngân hàng (chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm) hiện nay đều có thể được thao tác dựa vào nền tảng ứng dụng trên các thiết bị di động. Do vậy, Gen Z có thể quyết định mua sắm, tiết kiệm, đầu tư một cách nhanh chóng. Điều này các thế hệ trước chưa từng được trải nghiệm.
Mặc dù Gen Z cảm thấy tự tin vào bản thân trong việc tiêu dùng và tiết kiệm nhưng chỉ có 1/3 Gen Z trong nhóm được khảo sát cảm thấy có đủ kiến thức cơ bản về quản lý tài chính.
Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng điện thoại thông minh và truyền thông đa phương tiện là một phần trong cuộc sống của họ. Nhưng họ không chỉ giải trí trên Facebook, Youtube, Tiktok... mà họ còn coi đây là những nền tảng để tự trang bị kỹ năng và kiến thức mới. Theo nghiên cứu của Investopedia, Gen Z là thế hệ sử dụng nhiều video nhất cho việc học tập, trong đó có kiến thức tài chính cá nhân.
Về việc tiết kiệm, mặc dù Gen Z ở mỗi quốc gia tiết kiệm ở mức độ khác nhau, nhưng phần lớn họ được đánh giá là nhóm tiết kiệm hơn và ít nợ hơn so với thế hệ trước đó. Gen Z có thể tự kiểm tra số dư thông qua ứng dụng trực tuyến, sử dụng ứng dụng tiết kiệm trực tuyến, chuyển tiền giữa các tài khoản nhanh chóng và biết chắc chắn mình có bao nhiêu tiền để quản lý. Gen Z cũng thích hưởng thụ và “biết hưởng thụ” hơn thế hệ trước nhưng họ cũng ý thức phải tìm kiếm và áp dụng các khoản được ưu đãi, chiết khấu, hoàn tiền.
Tại Singapore, một khảo sát vào năm 2020 cho thấy Gen Z có thói quen tiết kiệm sớm hơn thế hệ Millennials. 85% người thuộc Gen Z tham gia khảo sát bắt đầu tiết kiệm từ trước năm 22 tuổi, trong khi đó, con số này ở thế hệ Millennials là 41%. Do bắt đầu có thói quen tiết kiệm sớm hơn nhóm Millennials nên Gen Z cũng có khả năng kiểm soát tốt trong việc thực hiện kế hoạch ngân sách của cá nhân. 65% nhóm Gen Z được khảo sát có ý thức theo sát kế hoạch ngân sách cá nhân và chỉ có 56% Millennials khẳng định có thể theo sát kế hoạch này. Bên cạnh đó, chỉ 35% nhóm Gen Z có chuẩn bị cho các tình huống không mong muốn trong tương lai khi lập ngân sách, tiết kiệm và đầu tư. Khi được hỏi về thách thức lớn nhất khi quản lý tài chính cá nhân kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, 26% nhóm Gen Z cảm thấy họ chưa đủ kiến thức, được hướng dẫn chi tiết về tài chính cá nhân.
Sinh viên Gen Z Việt Nam và tài chính cá nhân
Ở Việt Nam, Gen Z sẽ trở thành lực lượng lao động chính từ năm 2030. Khảo sát từ một nhóm nhỏ Gen Z đang là sinh viên chuyên ngành kinh doanh, tài chính năm 2022 cho thấy:
Về quan điểm, lối sống
Khi được hỏi về đặc điểm/tính cách của họ đối với tiền bạc, đa số cho rằng họ thích tiêu tiền và sẵn sàng tiêu vào những thứ họ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng khi đặt ra những câu hỏi cụ thể về từng tình huống như mua sắm, ăn ngoài, mua quà, tiết kiệm,... và từ đó xác định quan điểm về tiền bạc, kết quả lại khác. Khoảng 45% số Gen Z được hỏi có quan điểm thận trọng đối với tiền bạc, chỉ đưa ra quyết định chi tiêu trong số tiền đang có và tiết kiệm. Họ tin rằng những khoản tiết kiệm sẽ giúp họ vượt qua những bất trắc trong cuộc sống. Khoảng 30% số Gen Z được hỏi cho rằng tiền thể hiện quyền lực. 25% cho rằng tiền thể hiện giá trị của họ, họ coi trọng số tiền mà họ tích lũy được.
Về lập ngân sách và quản lý tài chính cá nhân
Có 58% sinh viên Gen Z được hỏi có kiểm tra năng lực tài chính của bản thân và 42% không thực hiện việc này.
Khi vay tiền của bạn bè, người thân, hơn 88% sinh viên Gen Z được hỏi trả nợ đúng hạn. Khoảng 12% chưa thực hiện tốt việc này.
Đối với họ, lười biếng là rào cản lớn nhất đối với sinh viên trong hành trình hình thành thái độ đúng đắn và tích cực về tiền bạc.
Nhiều sinh viên tự nhận định chưa có kỹ năng lập ngân sách hiệu quả. Điều này có thể do họ chưa thực sự lập ngân sách cho mình, chưa cân nhắc xem xét các yếu tố khách quan khi lập ngân sách.
Trong đại dịch COVID-19, khảo sát của Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho thấy vấn đề về tài chính là một trong những nguyên nhân chính tạo ra áp lực tâm lý cho sinh viên.
Về kiến thức lãi khi tiết kiệm và đầu tư
Khi hỏi về cách tính lãi suất đơn, lãi suất kép, chỉ có khoảng hơn 40% sinh viên Gen Z trả lời đúng. Đây là điều mà Gen Z cần trau dồi hơn nữa để có kiến thức sâu hơn về tài chính.
Về tác động của các yếu tố kinh tế tới quyết định chi tiêu và tiết kiệm, mặc dù đa số trả lời đúng, nhưng vẫn có yếu tố tác động là của lãi suất tới tiêu dùng thì đa số sinh viên Gen Z được hỏi trả lời sai.
Sinh viên Gen Z Việt Nam đối với vấn đề tài chính cá nhân và những điều nên quan tâm
Những tác động của việc trưởng thành trong một môi trường công nghệ "luôn vận động" mới chỉ được chú ý gần đây. Nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra những thay đổi đáng kể trong hành vi, thái độ và lối sống của giới trẻ cả theo chiều hướng tích cực và có cả những điều đáng lo ngại. Ví dụ, họ tiết kiệm từ sớm, nhưng trong thời đại mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng như hiện nay, liệu sinh viên Gen Z có duy trì được thói quen tiết kiệm này không? Mong rằng câu trả lời của sinh viên Gen Z sẽ là trong mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay không thuận lợi, vẫn tiếp tục duy trì thói quen này.
Song song với đó, tiếp cận với khối lượng thông tin khổng lồ từ nhiều nguồn trên không gian mạng cũng có mặt trái của nó. Đôi khi thông tin quá nhiều tới mức không biết nên sử dụng thông tin nào, ra quyết định ra sao. Gen Z trưởng thành biết nhiều về tài chính một cách chung chung, nhưng lại không hiểu sâu, hiểu đủ và toàn diện.
Nói chung, sinh viên Gen Z có ý thức trang bị kiến thức và kỹ năng về tài chính cá nhân hơn hẳn thế hệ trước. Nếu có điều gì đó cần lưu ý, thì đó là họ đang đi quá nhanh và quá độc lập. Việc có nhiều thông tin có thể dẫn đến cảm giác an toàn, nhưng thực sự lại không như vậy. Bạn có thể tìm bất kỳ thông tin về tài chính cá nhân trên cả Google, Youtube,... nhưng những trang website này hay các bài học tóm tắt ở dạng video không thể lập kế hoạch tài chính cá nhân cho chính bạn, trong hoàn cảnh cụ thể của bạn. Lời khuyên là hãy chậm lại một chút, xác định mình ở đâu, cần những gì để xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân cho chính mình một cách hiệu quả.
Hình: Sức mạnh của tiết kiệm trong hành trình tích lũy tài chính cá nhân
Chú thích:
Tài liệu tham khảo:
- Points about Gen Z Financial Literacy and Habits Your Bank Needs to Know, https://everfi.com
- Peter Lauria. 2022, Investopedia surveyed Gen Z, whose financial picture is a study in contrasts
- Mihai-Alexandru Cristea. 2021, Generation Z: fully authentic and digital native, business-review.eu
- Kristina Fox. 2021, Generation Z and Financial Literacy, https://www.nerdwallet.com/uk
- Paul J. Yakoboski , Andrea Hasler, Annamaria Lusardi. 2021, Financial literacy and well-being in a five generation America, TIAA Institute
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 22 năm 2022