Nhìn ra thế giới

Thị phần của OPEC+ được dự báo giảm không ngừng trong năm 2024

Đăng Tuấn 15/12/2023 10:58

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ đang khiến cho thị phần của nhóm bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh hiện đang kiểm soát khoảng nửa tổng hoạt động sản xuất dầu của thế giới khi mà tăng trưởng nhu cầu chững lại đáng kể, cùng lúc đó, sản lượng dầu từ Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mới, theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong công bố mới nhất.

Theo tính toán của IEA, hàng loạt quyết định cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đưa ra mới đây để đẩy tăng giá dầu đã làm giảm thị phần của nhóm OPEC+ xuống ngưỡng chỉ còn 51%, thấp nhất tính từ khi nhóm OPEC được mở rộng thêm một số nước liên minh vào năm 2016.

Bất chấp các đợt cắt giảm sản lượng, giá dầu hiện duy trì ở ngưỡng khoảng 75 USD/thùng trong khi đó vào tháng 9/2023, giá dầu ở mức khoảng 100 USD/thùng.

IEA đồng thời nhấn mạnh rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chững lại đáng kể trong quý hiện tại.

Viện dẫn đến các yếu tố vĩ mô ví như lãi suất cao, hiệu ứng nhạt dần của các biện pháp kích cầu thời kỳ COVID-19, IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm ước tính khoảng 400.000 thùng/ngày so với dự báo công bố vào tháng trước.

IEA dự báo ảnh hưởng của OPEC+ lên thị trường sẽ có thể giảm hơn nữa trong năm sau. Việc sản lượng của các nước ngoài OPEC tăng dự kiến cũng đủ để đáp ứng cho nhu cầu toàn cầu tăng trong năm 2024.

IEA nhấn mạnh, nguồn cung từ nước như Mỹ cũng như sản lượng từ một số nước như Guyana và Brazil tăng lên sẽ khiến cho tổng sản lượng của nhóm nước ngoài OPEC tăng 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024, cao hơn ngưỡng tăng trưởng nhu cầu 1,1 triệu thùng dầu/ngày, theo tính toán của IEA.

Trong 14 tháng gần đây, nhóm OPEC+ trong đó có bao gồm nhiều nước liên minh như Nga, Mexico và Azerbaijan đã thông báo nhiều đợt cắt giảm sản lượng. Những nỗ lực của OPEC+ trong việc đẩy giá dầu tăng lên trên ngưỡng 80 USD/thùng đã chịu ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất gia tăng của các nước ngoài OPEC+.

Cũng theo tính toán của IEA, nước Mỹ với sản lượng ước tính khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày sẽ vẫn là nguồn quan trọng giúp bù đắp cho tăng trưởng nhu cầu trong năm sau.

“Việc sản lượng tăng cũng như tăng trưởng nhu cầu chững lại sẽ làm khó cho nỗ lực tăng giá dầu và giữ thị phần của các nước sản xuất quan trọng nhất”, IEA nhấn mạnh.

IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ giảm từ mức 2,8 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 1,9 triệu thùng dầu/ngày trong quý hiện tại. Trước đây, IEA từng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ ở mức khoảng 2,3 triệu thùng dầu/ngày.

IEA phân tích lý do chính đằng sau việc điều chỉnh giảm tăng trưởng nhu cầu dầu chính là bởi nhu cầu tại châu Âu yếu đi, hàng loạt các đợt nâng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách trong năm 2022 – 2023 đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất, vốn đã trì trệ từ trước đó.

IEA dự báo nhu cầu dầu tại khu vực Trung Đông và Nga yếu đi, đây có thể là chỉ báo cho thấy dấu hiệu rõ ràng của việc kinh tế chững lại. IEA dự báo về kịch bản “hạ cánh mềm” của Mỹ. Trong kịch bản đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thành công trong việc đưa lạm phát về ngưỡng 2% theo mục tiêu mà không đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu thô tại Mỹ tăng 3% và như vậy tiếp nối đà tăng của phiên liền trước bởi dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh cao hơn một chút và đồng USD hạ giá.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tháng 1/2024 tăng 2,11 USD/thùng tương đương 3,04% lên 71,58 USD/thùng trên thị trường New York. Thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 2/2023 tăng 2,35 USD/thùng tương đương 3,16% lên 76,61 USD/thùng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị phần của OPEC+ được dự báo giảm không ngừng trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO