Là kênh huy động vốn hữu hiệu, là "cánh cửa" mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có thể đầu tư cho năng lực, cho nguồn lực trong trung và dài hạn cùng rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng thị trường cho thuê tài chính lại chưa phát triển như kỳ vọng.
Cho thuê tài chính là hình thức công ty tài chính thực hiện việc mua các máy móc thiết bị theo yêu cầu của doanh nghiệp, sau đó chuyển giao quyền kiểm soát và quyền sử dụng cho doanh nghiệp để trong một thời gian nhất định, thường là trong dài hạn 3 năm, 5 năm, 7 năm sẽ thu lại giá trị gốc và một phần lãi giống tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Thiều Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST, hình thức cho thuê tài chính có bốn ưu điểm chính rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp SME.
Thứ nhất, cho thuê tài chính tài trợ trực tiếp bằng hiện vật. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng sử dụng sai mục đích cho doanh nghiệp hay gây ra bong bóng cho nền kinh tế. Thực tế đã chứng minh, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bình quân 5 năm gần nhất đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu các công ty hầu hết dưới 1%.
Thứ hai, doanh nghiệp sẽ sử dụng được nguồn vốn đúng cấu trúc của mình, ngắn hạn ra ngắn hạn, trung hạn ra trung hạn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn của mình trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều khó khăn.
Thứ ba, cho thuê tài chính là kênh bổ sung sẽ giúp các doanh nghiệp giữ nguyên được hạn mức vay ngân hàng. Hiện nay, thị trường cho thuê tài chính cũng đã cho ra đời các gói ưu đãi lãi suất, cho vay chênh lệch giống ngân hàng với lãi suất khoảng 8,5-9,5%. Các thủ tục cho thuê cũng đang dần được cắt giảm cho phù hợp với doanh nghiệp.
Thứ tư, nguồn vốn được tài trợ có thể lên tới 90%, thậm chí 100% giá trị tài sản thuê mà không yêu cầu tài sản bảo đảm. Cùng với đó, cho thuê tài chính còn có sản phẩm bán và cho thuê. Doanh nghiệp có thể sử dụng những máy móc thiết bị đang vận hành bình thường để bán cho đơn vị cho thuê tài chính, sau đó, đơn vị tài chính sẽ cho doanh nghiệp thuê lại để sử dụng trong dài hạn. Khi đó doanh nghiệp sẽ có dòng tiền lưu động, linh hoạt trong giai đoạn khó khăn.
Với những ưu điểm đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là đối tượng khách hàng phù hợp nhất với loại hình này. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 98%.
Từ những con số trên, Việt Nam được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển hình thức cho thuê tài chính này.
Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản,... cho thuê tài chính được các doanh nghiệp xem là kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh các kênh khác như ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu. Tại Trung Quốc, doanh số cho thuê tài chính trên tổng doanh số mua bán máy móc thiết bị là 10%. Năm 2023, thị trường cho thuê tài chính Mỹ dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép năm lên đến 5,4% và trị giá 316,71 triệu USD vào năm 2030. Đáng chú ý, Nhật Bản là quốc gia có đến 90% doanh nghiệp sử dụng hình thức cho thuê tài chính với doanh số cho thuê tài chính hàng năm đạt khoảng 4-5 nghìn tỷ Yên (tương đương 750 – 950 nghìn tỷ đồng) và có khoảng 230 công ty trong lĩnh vực này đang hoạt động. Theo số liệu thống kê, năm 2022, tổng doanh số cho thuê tài chính thế giới là 1.500 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP toàn cầu.
Phát triển mạnh mẽ trên thế giới là vậy nhưng tại Việt Nam thị trường cho thuê tài chính hiện nay lại chưa phát triển. Hiện cả nước chỉ có 10 đơn vị cho thuê tài chính, bao gồm sáu công ty Việt Nam, một công ty liên doanh (BSL) và ba công ty 100% vốn nước ngoài.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ trong lĩnh vực này chỉ có 40.000 tỷ đồng, tương đương với 0,3% tổng dư nợ trong nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính chỉ chiếm 1%, khoảng 5.000-7.000 trên tổng số 700.000 doanh nghiệp. Doanh số máy móc thiết bị được mua bán thông qua hình thức cho thuê tài chính cũng chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhập khẩu máy móc.
Phân tích nguyên nhân khiến tài chính cho thuê dù là kênh huy động vốn hữu hiệu, nhiều tiềm năng nhưng lại chưa phát triển như kỳ vọng, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính cho rằng "cho thuê tài chính là lĩnh vực khá đặc thù trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, còn nhỏ bé nên xã hội, cơ quan quản lý chưa biết đến nhiều".
Phân tích sâu hơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST cho rằng có bốn yếu tố chính gồm vấn đề về hành lang pháp lý; do thói quen, văn hóa “sở hữu”; do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự hiểu về dịch vụ thuê tài chính và do các ngân hàng luôn sẵn sàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp với những nhu cầu đa dạng, đặc thù của khách hàng.
Để phát triển đúng tiềm năng, ông Phạm Xuân Hòe cho biết tới đây, Hiệp hội sẽ đặt yêu cầu cao về việc nghiên cứu, xây dựng phương án phát triển phù hợp; kiến nghị các giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực cho thuê tài chính tại Việt Nam.
“Hiệp hội xác định sẽ tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các công ty cho thuê tài chính hội viên trong việc báo cáo, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, nhằm tạo điều kiện để hoạt động cho thuê tài chính phát triển an toàn, hiệu quả, qua đó góp phần thực thi chính sách tiền tệ-tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, ông Hòe chia sẻ.
Đặc biệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, công tác truyền thông để xã hội và công chúng hiểu biết nhiều hơn về cho thuê tài chính sẽ được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.