(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với mạng lưới rộng lớn và là kênh trung gian tài chính cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ... mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được đánh giá ở mức “Trung bình cao”.
Báo cáo tóm tắt “đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố cho biết, ngân hàng là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền bao gồm: Luật phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013), Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền… Các quy định pháp luật của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền là tương đối toàn diện, cơ bản đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đã được coi trọng
NHNN cho biết, công tác cấp phép thành lập mới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện được quy định và được tuân thủ chặt chẽ dựa trên Luật các tổ chức tín dụng 2010, Thông tư số 08/2015/TT-NHNN ngày 30/6/2015, Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài. “Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn xin cấp phép của tổ chức nào không được cấp hoặc bị ngừng không được cấp phép hay rút giấy phép hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống rửa tiền”, báo cáo của NHNN cho biết.
NHNN cũng cho biết, công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đã được coi trọng. Cụ thể, qua thanh tra, đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, chưa phát hiện vi phạm nghiêm trọng và chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào về phòng, chống rửa tiền.
Hầu hết nhân viên ngân hàng đều nhận thức về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của mình, chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ ngày càng được cải thiện và không có dấu hiệu thông đồng với tội phạm hay thực hiện các hành vi gian lận trong việc kiểm soát hoạt động phòng, chống rửa tiền.
Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 12/12/2014) đã có các điều khoản xử phạt cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 30/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã quy định chế tài hình sự thích đáng và có tính răn đe đối với hành vi rửa tiền. Bên cạnh đó, số liệu khảo sát cho thấy trong giai đoạn từ 2012 đến nay một số lượng nhất định nhân viên ngân hàng đã bị điều tra, khởi tố, truy tố về tội phạm nguồn của tội rửa tiền như tội gian lận, lừa đảo (vụ việc liên quan đến cán bộ, nhân viên ngân hàng có hành vi gian lận)...
Nguồn thông tin độc lập chưa đáp ứng yêu cầu thẩm định khách hàng của ngân hàng
Cũng theo báo cáo, mặc dù Luật phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã quy định đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Điều 20), bao gồm có nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu hụt liên quan đến việc một vài ngân hàng chưa tự tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nào về kiến thức phòng, chống rửa tiền, hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện sàng lọc, giám sát khách hàng và giao dịch còn hạn chế, số lượng và chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ chưa cao.
Mức độ sẵn có của các nguồn thông tin độc lập: Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NHNN quản lý lưu giữ thông tin của hơn 30 triệu khách hàng vay, với sự tham gia báo cáo, cung cấp thông tin của 100% các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô cũng như các tổ chức khác trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Ngoài CIC, các ngân hàng còn sử dụng các nguồn thông tin độc lập khác như cơ quan thuế, hải quan, kiểm toán và các dịch vụ tra cứu như World-Check, Accuity, FIB.
Tuy nhiên, những nguồn thông tin này mới chỉ được một số ngân hàng sử dụng và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định khách hàng của ngân hàng.
Để đánh giá mức độ tổn thương của rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo đã thực hiện đánh giá mức độ tổn thương của 6 sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có nguy cơ rửa tiền, gồm: Huy động cá nhân, điện chuyển khoản ngân hàng, tài khoản tiền gửi thanh toán, tài trợ thương mại, tài khoản đại lý và dịch vụ ngân hàng điện tử.
Kết quả đánh giá cho thấy, mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được đánh giá ở mức "Trung bình cao".