Sáng nay (ngày 19/7), tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức Chương trình “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.
Cùng nhau kéo thị trường chứng khoán đi lên
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao Ban tổ chức đã chọn chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”; đồng thời, bày tỏ hết sức vui mừng vì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp cho sự phát triển của thị trường chứng khoán đến nay khá vững chắc và khẳng định thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có bước phát triển bền vững.
“Với chủ đề mới này, sự phát triển của thị trường được tập trung và quan tâm đến nâng hạng, gọi vốn, việc phát triển nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn nữa - những yếu tố vừa làm cho thị trường chứng khoán được nâng cao, chất lượng bền vững hơn, vừa là yếu tố giúp thị trường có chất lượng cao hơn. Thị trường chứng khoán của chúng ta phải được nâng lên một bước sau hơn 20 năm ra đời và phát triển. Để thị trường chứng khoán phát triển hơn thì cần phải được nâng hạng. Đây là hoạt động hết sức tích cực và tác động lan tỏa đến phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định: “Không ai một mình có thể kéo thị trường chứng khoán của chúng ta đi lên, mà tất cả phải cùng nhau tiến bước, đưa thị trường đi lên một chặng đường phát triển mới về chất. Tôi khẳng định cơ quan quản lý nhà nước sẽ đi đầu trong hành trình này”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Đến nay, thị trường chứng khoán có quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở gần 8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn, con số của FiinGroup đưa ra cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài nắm 14% cổ phiếu. Đây là điểm chưa mạnh và chưa bền vững của thị trường.
Nhấn mạnh các nhà đầu tư Việt Nam cần thay đổi nhận thức để thực hiện đầu tư thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: "có tổ chức chuyên nghiệp thì không nhất thiết phải đạt 8 triệu tài khoản chứng khoán mà chỉ cần 5-6 triệu nhưng một nửa là nhà đầu tư tổ chức thì tuyệt vời".
Để làm được điều đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi lưu ý cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư, các dạng quỹ đầu tư.
"Cơ quan quản lý nhà nước sớm đưa ra quy định rõ ràng để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả và nghiêm túc, vì nếu có vấn đề gì xảy ra thì việc xử lý hậu quả vô cùng to lớn", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Sớm nâng hạng thị trường để thu hút thêm nhà đầu tư
Quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài là một cấu phần quan trọng trong hệ thống các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm này đã bán ròng liên tiếp kể từ năm 2023 đến nay.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, 4 năm nay nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4 tỷ USD, riêng năm nay là 2 tỷ USD. Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài biết đến Việt Nam có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để du lịch và làm ăn, thì gần đây họ thấy ở Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm của họ. Trong khi nhiều thị trường khác có điều đó.
Phân tích những yếu tố tác động, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, về khách quan, yếu tố lớn nhất là lãi suất của Mỹ tăng trong 2 năm vừa qua đã ảnh hưởng nhiều tâm lý nhà đầu tư. Cùng với đó, trên thế giới, chiến lược đầu tư theo chỉ số thất bại hoàn toàn.
Đối với vấn đề của Việt Nam, ông Dominic Scriven khẳng định, việc chưa nâng hạng thị trường đã tác động vào tư duy của nhà đầu tư nước ngoài.
"Bây giờ tôi muốn đầu tư vào Việt Nam, tôi phải chuẩn bị bài thuyết phục hội đồng đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nâng hạng nên khoản đầu tư dự kiến đó được coi là một ngoại lệ, dẫn đến việc thuyết phục khó khăn hơn nhiều", Chủ tịch Dragon Capital nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho rằng, lý do khối ngoại rút vốn ròng là do không có nhiều cái mới trên thị trường, đặc biệt về hàng hoá. Sau nhiều năm, tốc độ cổ phần hoá thoái vốn thời gian qua chậm. Trong vài năm nay, VSDC cấp mới mã lên sàn rất ít. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới lên sàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, có 3 lý do chính khiến khối ngoại bán ròng liên tiếp trong thời gian qua, mà nhà đầu tư nước ngoài là đối tác của FiinGroup đã đưa ra.
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản và rút khỏi thị trường mới nổi do không kỳ vọng vào việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, khi tăng thì nhanh, giảm thì chậm.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài hiện thực hóa lợi nhuận, rủi ro tỷ giá Việt Nam lớn trong khi họ lãi lớn vài chục phần trăm rồi thì sẽ bán luôn chứ để lại sợ lỗ tỷ giá.
Thứ ba, lo lắng thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều đặc thù, lo lắng về triển vọng bất động sản và tỷ giá.
Từ những vấn đề trên, các chuyên gia, nhà quản lý tại "Đối thoại tháng 7" đều cho rằng, cần thiết phải thực hiện nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường.
Khẳng định tầm quan trọng của việc nâng hạng thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, điều này không chỉ thu hút những tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia, thúc đẩy nguồn vốn gián tiếp mà còn có thể tăng cường năng lực quản trị công ty, nâng cao hình ảnh cũng như góp phần vào việc thúc đẩy tiến trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, nâng hạng thị trường còn là một giải pháp để cấu trúc dòng tiền nhà đầu tư trên thị trường. Những cá nhân đang chiếm trên 90% thanh khoản thị trường, trong khi khối này thường chịu tác động tâm lý. Đó là nguyên do thị trường chứng khoán Việt Nam chưa ổn định trong một số giai đoạn.
"Muốn ổn định thị trường, cơ cấu nhà đầu tư tổ chức thường phải chiếm 50 - 60% như những nước phát triển, khi đó thị trường của chúng ta mới có thể ổn định, tránh câu chuyện tâm lý khiến thị trường lúc lên lúc xuống mà không hiểu lý do vì sao", bà Vũ Thị Chân Phương nói.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, không những Chính phủ, Bộ tài chính, các bộ, ngành rất quan tâm, mà khách hàng đầu tư cũng rất mong chờ thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. "Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tới một quy mô lớn hơn, “như một người mặc áo chật”, đến thời kỳ phải bước thêm bước tiến mới", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Với đà phục hồi như vậy, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể hoàn thành mục tiêu 6 - 6,5% và sẽ là một con số khá ấn tượng.
“Đối thoại tháng 7” được tổ chức trong bối cảnh thị trường chứng khoán kỷ niệm 24 năm chính thức đi vào hoạt động. Với nền tảng kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, thị trường chứng khoán có nhiều dư địa tăng trưởng và phát triển ổn định, khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Đây cũng là cơ hội để nhìn lại và có những đánh giá về hoạt động của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, đồng thời hướng tới tương lai với những giải pháp thiết thực và cả những kỳ vọng tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm được nâng hạng lên vị thế cao hơn trong thời gian tới.