Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua tuần giao dịch biến động. Đóng cửa tuần giao dịch từ ngày 8-14/7, giá của 3/4 nhóm hàng (trừ nguyên liệu công nghiệp) đều sụt giảm kéo chỉ số MXV-Index rơi 1,93% xuống 2.260 điểm.
Thị trường nông sản đứng trước áp lực mua lớn, chỉ số giá hàng hóa nhóm này bất ngờ lao dốc tới 5,2% trong tuần vừa qua. Nằm trong nhóm hàng duy nhất tăng giá, cà phê Robusta, cà phê Arabica cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý. Trong đó, vào ngày 9/7, giá cà phê Robusta đã leo lên mức cao kỷ lục trong lịch sử khi tăng nóng gần 600 USD so với đầu tháng 7/2024.
Giá nông sản giảm sâu
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (14/7), giá 6/7 mặt hàng nông sản (trừ gạo thô) đồng loạt sụt sâu 5-6%. Trong đó, ngô là mặt hàng có đà suy yếu thấp nhất. Sau phiên đầu tuần lao dốc mạnh, thị trường ngô đã biến động giằng co và hồi phục, đặc biệt là sau những số liệu gây bất ngờ trong Báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Tại báo cáo này, USDA đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2024-2025 của Mỹ lên mức 15,1 tỷ giạ, chênh lệch không đáng kể so với dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, bất ngờ là tồn kho niên vụ 2024-2025 bị điều chỉnh giảm xuống còn 2,09 tỷ giạ, trái với dự đoán tăng của giới phân tích và nằm thấp dưới khoảng dự đoán. Nguyên nhân của điều chỉnh này là do xuất khẩu và tiêu thụ niên vụ 2023-2024 được nâng so với báo cáo trước, đẩy tồn kho đầu niên vụ 2024-2025 giảm mạnh. Yếu tố này đã khiến giá ngô tăng vọt vào cuối tuần và thu hẹp đà giảm trước.
Ở chiều ngược lại, tuần qua, thời tiết tại Mỹ chuyển biến tốt. Tàn dư của bão Beryl mang mưa đến khu vực vành đai ngô phía đông, đặc biệt là các bang Illinois và Indiana vốn đang khá khô hạn. Trong báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress), USDA cho biết tỷ lệ ngô đạt chất lượng tốt và tuyệt vời đã tăng lên mức 68% trong tuần qua, từ mức 67% trong tuần trước đó và vượt xa mức 50% cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy triển vọng vụ mùa tại Mỹ vẫn tương đối tích cực, khiến giá chịu sức ép.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần qua, giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta có chiều hướng giảm nhẹ so với đầu tuần. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao ba tháng cuối năm nay ở mức 6.400 đồng/kg. Giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu thấp hơn 100 đồng/kg so giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Giao dịch đầy biến động, giá cà phê tiếp tục tạo đỉnh lịch sử mới
Theo ghi nhận của MXV, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Robusta bật tăng hơn 10%, xác lập mức đỉnh lịch sử mới tại 4.617 USD/tấn. Giá cà phê Arabica tăng tuần thứ ba liên tiếp, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Nguồn cung cà phê hạn chế tại các quốc gia sản xuất hàng đầu cùng sự suy yếu của tỷ giá đã hỗ trợ giá đi lên.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, tháng 6, khối lượng cà phê xuất khẩu chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, giảm 11,5% so với tháng trước. Tính chung nửa đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu cũng giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Thêm vào đó, thị trường tiếp tục bi quan về triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tại Việt Nam. Các dự báo từ các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy, sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của nước ta sẽ giảm 15-20% so với vụ hiện tại. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định nguồn cũng dần khan hiếm, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng tháng. Thậm chí, lượng xuất khẩu cà phê nước ta chỉ cải thiện từ cuối năm khi vụ mới được thu hoạch.
Tương tự, tại Brazil, Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê nước này (CECAFE) dự báo sản lượng cà phê Robusta có thể giảm 10% so với ước tính ban đầu, trong khi sản lượng cà phê Arabica có thể giảm 5%. Thêm vào đó, chỉ số Dollar Index vừa giảm tuần thứ hai liên tiếp sau khi Mỹ công bố CPI, kéo theo tỷ giá USD/BRL đánh mất 0,56%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp phần nào hạn chế nông dân Brazil bán cà phê, từ đó cũng thúc đẩy giá đi lên.