Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (ngày 1/4), giá vàng miếng tăng lên 81 triệu đồng/lượng, sau nửa tiếng, SJC quay đầu giảm trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn sừng sững trên đỉnh cao mới. Chênh mua – bán của vàng miếng trong nước ở mức 1,6 triệu đồng.
Cập nhật lúc 10 giờ 20 phút hôm nay, giá vàng miếng các thương hiệu được điều chỉnh như sau:
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở quanh mức 78,3 - 81,82 triệu đồng/lượng; không đổi so với phiên trước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên liền trước.
Tại PNJ Hà Nội, giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 78,3 - 80,7 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán so với phiên trước.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.259 USD/ounce, tăng mạnh 26 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước.
Sau kỳ nghỉ lễ, giá vàng thế giới tiếp đà tăng "bốc đầu". Nguyên nhân chính được cho là các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tiếp tục mua vàng vật chất. Nhu cầu tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá vàng, đẩy mức giá lên cao kỷ lục.
Theo Kitco, một trong những chất xúc tác đằng sau sự bứt phá mạnh mẽ của vàng là tâm lý lạc quan ngày càng tăng xung quanh việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp cắt giảm lãi suất. Trong các cuộc họp gần đây của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), FED đã công bố tóm tắt dự báo kinh tế (SEP), một tài liệu nêu rõ kỳ vọng của các thành viên về việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn duy trì kế hoạch sẽ thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ tháng 6. Động thái này đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Đánh giá triển vọng thời gian tới, chuyên gia tại TD Securities nhận định, giá vàng có thể dễ dàng chạm mức 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong quý II/2024.
Tương tự, Citi Group dự báo, giá vàng có khả năng leo lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 12-16 tháng tới.