Thị trường tiếp tục giao dịch giằng co, thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư ở khu vực 1.280 điểm. Dù áp lực bán gia tăng song sức hút của nhóm cổ phiếu Vingroup, đặc biệt là VIC, giúp VN-Index trụ vững trên ngưỡng 1.280 điểm.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay (ngày 27/8), VN-Index ghi nhận diễn biến rung lắc ngay từ đầu phiên. Áp lực điều chỉnh xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành, trong đó sự giảm điểm của một vài cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn như BID, VCB đã tạo áp lực lên chỉ số chung. Ở chiều ngược lại VHM và VIC thu hút được lực cầu tốt, đã giúp VN-Index tiếp tục giữ nhịp, bám sát khu vực điểm 1.280 điểm trong phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, lực cầu vẫn tiếp tục duy trì đối với nhóm ngành bất động sản. VN30 lình xình quanh mốc tham chiếu đến giữa phiên. Đến cuối phiên áp lực chốt lời các cổ phiếu ngành bán lẻ giảm bớt khiến các cổ phiếu như MWG và MSN đều về giá tham hoặc tăng nhẹ, giúp VN-Index quay đầu vượt tham chiếu ở những phút cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu Vingroup, đặc biệt là VIC, vẫn tiếp tục toả sáng trong phiên hôm nay. Kết phiên, trong khi VHM và VRE lần lượt tăng 2,2% và 1%, khớp 18,2 triệu và 15 triệu đơn vị thì VIC tăng kịch trần với gần 13 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng góp 2,76 điểm tích cực cho VN-Index.
Về nhóm ngành, theo thống kê, nhóm cổ phiếu bất động sản và truyền thông ghi nhận mức tăng tốt nhất, lần lượt là 1,7% và 1,8%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán và bán lẻ chịu áp lực điều chỉnh lớn hơn với mức giảm lần lượt là 0,94%, 1,2%.
Tốc độ giao dịch cùng với thanh khoản tham gia thị trường suy yếu hơn so với phiên hôm qua. Giá trị giao dịch cả 3 sàn hôm nay đạt hơn 17.730 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại là tiếp tục điểm trừ trong phiên khi bán ròng với giá trị gần 260 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán TLG, HPG, VPB. Đây là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 169 mã tăng và 235 mã giảm, VN-Index tăng 0,54 điểm (+0,04%), lên 1.280,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 660,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 16.190 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 11,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 70,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.763 tỷ đồng.
Sàn HNX có 73 mã tăng và 81 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,03%), xuống 238,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.022 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 6,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 305 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 150 mã tăng và 126 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 94,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 36,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 522 tỷ đồng, tăng 14% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 66,7 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2409 tăng 4,8 điểm, tương đương tăng 0,36% lên 1.321,8 điểm, khớp lệnh hơn 155.900 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.600 đơn vị.
CTCK MB (MBS) nhận định, với tâm lý nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ lễ dài ngày chi phối nên thị trường cũng bỏ qua các thông tin hỗ trợ trong
những ngày vừa qua. Thanh khoản giảm đi kèm với việc mở rộng biên độ dao động xuống phía dưới để tìm lực cầu cho thấy nhu cầu muốn thoát ra đang chi phối. Điều này cũng dễ hiểu khi phía trước là kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhà đầu tư thường giảm chi phí đi vay bằng cách giảm tỷ trọng cổ phiếu danh mục.
Với diễn biến thị trường gần đây, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng tài khoản, tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân gia tăng tỷ trọng đối với các nhóm ngành đang có xu hướng tích lũy tốt như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.