Ngày 23/10, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), ông Kazuo Ueda đã cảnh báo về rủi ro của việc tăng lãi suất quá chậm, đồng thời cho rằng việc đạt được sự cân bằng hợp lý là rất quan trọng để nền kinh tế Nhật Bản phát triển một cách bền vững.
Phát biểu tại 1 sự kiện bên lề cuộc họp mùa thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ, ông Ueda cho biết: “Những điều không chắc chắn có ở mọi nơi, mọi lúc… khi có sự không chắc chắn lớn, bạn thường muốn tiến hành một cách thận trọng và từ từ”.
Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ có vấn đề "nếu tiến hành quá từ tốn" và gây ra kỳ vọng rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài.
Cái giá phải trả nếu tăng lãi suất quá chậm là điều này có thể khiến các nhà đầu cơ có cớ để gây ra sự trượt dốc không mong muốn của đồng Yên, đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Ông cũng cho biết Nhật Bản “vẫn cần thời gian” để đạt được mục tiêu lạm phát của BOJ một cách bền vững.
Nhận xét của ông được đưa ra sau khi đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong 3 tháng so với đồng tiền của Nhật Bản, nhanh chóng tiến vào vùng 153 Yên đổi 1 USD.
Trong một diễn biến khác, trước đó 1 ngày, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2024 của Nhật Bản xuống 0,3%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với ước tính 3 tháng trước, với lý do những diễn biến tiêu cực như gián đoạn nguồn cung ô tô tạm thời.
Ước tính mới nhất trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF đối với Nhật Bản là mức thấp nhất kể từ năm 2020, khi nền kinh tế nước này suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
IMF cho biết nền kinh tế Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi "sự suy giảm của các yếu tố chỉ xảy ra một lần", đó là sự gia tăng mạnh về du lịch thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023, bên cạnh tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng lan rộng vào đầu năm nay sau vụ bê bối an toàn liên quan đến một công ty con của tập đoàn ô tô Toyota.
Tuy nhiên, IMF cho biết tăng trưởng của Nhật Bản sẽ tăng lên 1,1% vào năm 2025, tăng 0,1 điểm so với dự báo hồi tháng 7, nhờ tiền lương và tiêu dùng tăng.