Với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, kinh tế số Việt Nam hứa hẹn sẽ còn vươn xa hơn nữa trong tương lai. Để quá trình phát triển này diễn ra một cách bền vững, việc cân bằng giữa 3 yếu tố chính là môi trường, quản trị và xã hội là vô cùng cần thiết.
Ngày 21/11/2024, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo củng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững”.
Chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu trong bối cảnh mới
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Năm Á năm 2024" do Google - Temasek công bố ngày 5/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.
"Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới", Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển Kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng, và dịch vụ logistics.
Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững
Song hành cùng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng là yếu tố cấp bách cần được đẩy mạnh để phát triển kinh tế số một cách bền vững. Trao đổi tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Trưởng Dự án Phát triển nhà cung cấp của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam nhấn mạnh, tích hợp và thực hành các tiêu chuẩn ESG ( môi trường, xã hội và quản trị) toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
“Các nhà đầu tư và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu tuân thủ ESG trên các chuỗi giá trị toàn cầu. Các chính phủ trên toàn thế giới đang thực hiện các quy định ESG chặt chẽ hơn, thúc đẩy các công ty phải thích nghi. Việc công bố thông tin nâng cao về hiệu quả hoạt động ESG đang trở thành một tiêu chuẩn, với các khuôn khổ như GRI (sáng kiến báo cáo toàn cầu) đang thu hút được sự chú ý”, bà Ánh chỉ rõ và khẳng định sản xuất hướng tới phát triển xanh và bền vững là xu hướng tất yếu.
Phân tích ví dụ thực tiễn chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số và dịch vụ chuyển đổi bền vững, FPT Digital, thông tin, doanh nghiệp sản xuất trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng từ nỗ lực chuyển dịch năng lượng, cũng như các lợi ích đi kèm. Chẳng hạn, lợi ích thấy được trong ngắn hạn là tiết kiệm chi phí và tăng tỷ suất lợi nhuận. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu tăng khi nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp tốt hơn, bảo vệ doanh nghiệp trước các gánh nặng thuế carbon...
"Các nghiên cứu cho thấy, trong ngành khai thác kim loại, chuyển dịch năng lượng giúp tăng 10% năng lực sản xuất và giảm 1,7 triệu tấn khí thải carbon hay tại ngành công nghiệp chế biến, triển khai nền tảng tối ưu tiêu thụ năng lượng giúp tiết kiệm 12% chi phí nhiên liệu và giảm 10% khí thải carbon...", đại diện FPT Digital cho biết.
Tại diễn đàn, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là vô cùng cần thiết trong nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành cũng như thúc đẩy kinh tế số. Diễn đàn đã cùng tập trung thảo luận về thực trạng cũng như lộ trình kế hoạch và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành Công Thương trong giai đoạn tiếp theo, trong đó chú trọng vào 3 lĩnh vực cốt lõi: thương mại điện tử, công nghiệp - sản xuất thông minh và năng lượng thông minh.