Để thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam, cũng như hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực khắc phục hậu quả do bão số 3 và nhanh chóng bứt phá cần hệ thống các giải pháp phù hợp, căn cơ
Khẩn trương, quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm khắc phục thiệt hại do bão gây ra
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông; có sức càn quét kinh hoàng trong lịch sử khi đổ bộ vào Việt Nam. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng bão số 3 và hoàn lưu vẫn để lại những tổn thất, hậu quả rất nặng nề tại 26 tỉnh, thành phố miền Bắc[1] khi mưa lớn trên phạm vi rộng gây lũ lụt, sạt lở làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng ngàn người bị thương. Thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước ước tính trên 81.000 tỷ đồng. Hàng vạn căn nhà, hàng ngàn trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp; nông lâm thủy sản mất trắng…
Sức tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề, làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế, cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Bão số 3 cũng làm cho hàng ngàn người dân, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, khó đáp ứng các điều kiện vay mới… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 165.000 tỷ đồng[2].
Ngay từ trong và sau bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa bão. Đơn cử như, để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ngày 27/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 100/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. Ngày 18/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 108/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3.
Bên cạnh sự chỉ đạo từ Chính phủ, người dân, nhất là các doanh nghiệp được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các ngành, cơ quan trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế. Chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động bảo đảm lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân[3]. Theo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới[4] theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 - 2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3. Bên cạnh mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%/năm dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, đáng chú ý có một số ngân hàng còn giảm tới 50 - 100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) miễn giảm 50% lãi phải trả của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1/9 - 31/12/2024; căn cứ vào tình hình thiệt hại thực tế, SHB có thể giảm tới 100% lãi phải trả, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh… Cùng với đó, nhiều ngân hàng khác triển khai[5] các chương trình tương tự hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão lũ[6].
Song, việc thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam sau bão số 3 không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính mà còn cần có hệ thống các chính sách, giải pháp phù hợp, căn cơ, nhất là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Chính phủ, các ngành, địa phương tiếp tục các nỗ lực cải cách hành chính, bảo đảm các chính sách, giải pháp hỗ trợ đến đúng đối tượng và kịp thời.
Một số giải pháp thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới
Trong bối cảnh, tình hình trong - ngoài nước có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự quyết liệt triển khai các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các địa phương, nhân dân, doanh nghiệp…, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng phục hồi phát triển nhanh chóng.
Các ngành có triển vọng phục hồi phát triển mạnh nhất là du lịch, nông nghiệp… . Dẫu cho đây là những ngành thiệt hại nặng nề nhất trong bão số 3, nhưng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư để khắc phục hậu quả; đồng thời có nhiều tiềm năng, thế mạnh bứt phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm cũng có nhiều tiềm năng cần được khuyến khích phát triển - biện pháp tốt cho hoạt động nền kinh tế trong điều kiện xuất hiện các rủi ro bất khả kháng như bão số 3 vừa qua.
Để thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam, cũng như hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực khắc phục hậu quả do bão số 3 và nhanh chóng bứt phá cần hệ thống các giải pháp phù hợp, căn cơ. Trong đó, cần chú ý một số nội dung sau đây:
Một là, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi số, tạo đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển mới. Tập trung cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường: thị trường các yếu tố sản xuất; thị trường tài chính - tiền tệ; thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, nhiều hàm lượng công nghệ có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng - an ninh; hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Cơ cấu lại kinh tế vùng, tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực và các đô thị lớn, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cần xác định chuyển đổi số là khâu đột phá quan trọng cho kỷ nguyên mới. Từng bước hướng tới xây dựng nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hai là, “đi tắt, đón đầu”, tập trung phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, làm chủ năng lực công nghệ cao, tránh bị lệ thuộc. Việt Nam cần tận dụng vốn đầu tư, công nghệ và tri thức từ các nước phát triển để biến các tiềm năng sẵn có thành hiệu quả thực tế nhằm nâng cao tiềm lực kinh tế quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý mở đường cho ứng dụng và phát triển sáng tạo. Cùng với đó, ưu tiên đào tạo sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động nắm bắt cơ hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới để học hỏi, phát triển năng lực công nghệ cao. Xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ, viễn thông; tăng cường an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng khi tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số trong kỷ nguyên số.
Ba là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xử lý những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại. Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công - tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên dự án nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là chuỗi sản xuất đất hiếm, chip/bán dẫn./.
* Viện Chiến lược Công an.
[1] Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.
[2] L.H (2024), “Bảo hiểm tiếp sức doanh nghiệp hồi sinh sau bão”, https://thoibaonganhang.vn/bao-hiem-tiep-suc-doanh-nghiep-hoi-sinh-sau-bao-156721.html.
[3] B.N (2024), “Nhiều giải pháp ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3”, https://consosukien.vn/nhieu-giai-phap-on-dinh-doi-song-nhan-dan-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-sau-con-bao-so-3.htm.
[4] Như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)…
[5] Như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng Shinhan Việt Nam….
[6] B.N (2024), “Nhiều giải pháp ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3”, https://consosukien.vn/nhieu-giai-phap-on-dinh-doi-song-nhan-dan-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-sau-con-bao-so-3.htm.
Tài liệu tham khảo
1. Trọng Bình (2024), “Doanh nghiệp 'đuối sức' cần trợ lực từ các chương trình hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão số 3”, https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/doanh-nghiep-duoi-suc-can-tro-luc-tu-cac-chuong-trinh-ho-tro-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao-so-3-a26906.html.
2. B.N (2024), “Nhiều giải pháp ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3”, https://consosukien.vn/nhieu-giai-phap-on-dinh-doi-song-nhan-dan-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-sau-con-bao-so-3.htm.
3. L.H (2024), “Bảo hiểm tiếp sức doanh nghiệp hồi sinh sau bão”, https://thoibaonganhang.vn/bao-hiem-tiep-suc-doanh-nghiep-hoi-sinh-sau-bao-156721.html.
4. Hải Hà (2024”, “Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ hồi phục sau bão lũ”, https://vovgiaothong.vn/newsaudio/cu-the-hoa-chinh-sach-ho-tro-hoi-phuc-sau-bao-lu-d41006.html.