Có thể nói việc thực hiện NQ 43 của Quốc hội và NQ 11 của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng, có tác động tích cực đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong năm 2022 và 2023
Ngày 4/3/2024, đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (NQ 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, nhằm tổng kết đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện. Theo đó, tại buổi làm việc nhiều đại biểu đã có ý kiến đề nghị phân tích, đánh giá tác động của NQ 43, những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm qua việc tổ chức triển khai thực hiện tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ở góc độ hoạt động ngân hàng, trong vai trò thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ, với nội hàm sử dụng nguồn lực chính sách và cho vay hỗ trợ 2% lãi suất, tác động tích cực của Nghị quyết 43 phản ánh trên 3 phương diện chính sau:
Thứ nhất, với hệ thống giải pháp về tài chính tiền tệ và cách sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2022 - 2023, đặt trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch COVID-19 và thời điểm ban hành Nghị quyết. Đến thời điểm hiện nay, khi nhìn nhận đánh giá lại, có thể nói NQ 43 của Quốc hội là chủ trương chính sách trúng, đúng, toàn diện và và có tính dự báo rất cao. Những giải pháp và định hướng của NQ 43 đã góp phần không chỉ hạn chế tác động ảnh hưởng của những yếu tố khách quan từ đại dịch, từ thị trường thế giới, suy giảm và lạm phát… mà còn tạo điều kiện cho nền kinh tế nói chung và kinh tế Thành phố nói riêng tăng trưởng và phát triển.
Thứ hai, NQ 43 của Quốc hội và NQ 11 của Chính phủ, triển khai thực hiện NQ 43 về mặt tư tưởng chỉ đạo, đã tạo ra tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, mang lại hiệu ứng và trách nhiệm xã hội cao trong toàn bộ nền kinh tế, thông qua việc ban hành hệ thống cơ chế và sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như không ngừng cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp người dân tiếp cận chính sách. Trong đó, cụm từ “hỗ trợ doanh nghiệp” đã trở thành một trong nội dung quan trọng của chủ đề năm của thành phố, cũng như nhiều chương trình hành động của các ngành, các địa phương trên cả nước; các quận huyện của Thành phố. Đây là kết quả quan trọng đối với một chủ trương lớn, song rất cụ thể của Quốc hội, của Chính phủ.
Thứ ba, phản ứng chính sách là kịp thời, trách nhiệm và hiệu quả. Với định hướng sử dụng các nguồn lực và yêu cầu cụ thể nhiệm vụ về chính sách tài khóa và tiền tệ. Các bộ ngành đã ban hành cơ chế chính sách để thực hiện NQ 43 của Quốc hội và NQ 11 của Chính phủ. Trong đó, NHNN đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng toàn diện nhằm thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ chính: giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN điều hành và thực hiện chính sách lãi suất hợp lý và giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp về chí phí sử dụng vốn, tạo điều kiện giảm giá thành; ban hành các thông tư về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, để tăng trưởng và phát triển; ban hành Thông tư 03, thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ để cho vay hỗ trợ 2% lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành lĩnh vực: hàng không; công nghiệp chế biến; chế tạo; vận chuyển kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục; sản xuất phần mềm lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; cho vay xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân thuê….
Kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ… về dịch vụ ngân hàng và cải cách hành chính phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Riêng trên địa Thành phố Hồ Chí Minh, với trên 1,1 triệu khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi suất, với tổng số dư nợ đạt 356 nghìn tỷ đồng, qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong 2 năm qua, duy trì với tốc độ tăng trưởng khá (năm 2022 GRDP tăng 9,03%; năm 2023 tăng 5,81%), là thực tiễn minh chứng hiệu quả chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN thực hiện NQ 11 của Chính phủ và NQ 43 của Quốc hội tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Với ý nghĩa đó, có thể nói việc thực hiện NQ 43 của Quốc hội và NQ 11 của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng, có tác động tích cực đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong năm 2022 và 2023.
Tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và bài học thực tiễn trong xây dựng chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách và đặc biệt là cách thức tổ chức triển khai thực hiện… là những bài học kinh nghiệm quý báu, động lực to lớn để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024.