Vấn đề - Nhận định

Thúc đẩy ứng dụng Blockchain từ góc độ pháp lý và tuân thủ

Ngô Hải 29/09/2023 - 14:44

Ngày 29/9, tại trụ sở các cơ quan Quốc hội (Hà Nội), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số”.

Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, ứng dụng công nghệ Blockchain trên thế giới đang diễn ra rộng khắp trong các lĩnh vực, như: Tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng… Quy mô của thị trường Blockchain càng ngày càng tăng, theo dự báo, đến năm 2030 quy mô của thị trường lên tới hàng nghìn tỷ USD.

z4736750458217_99c573d8c56652e263ca25bec562be59.jpg
Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc

Còn tại Việt Nam thì sao?. Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đã đề cập tương đối rõ về công nghệ mới, như: Ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây....

“Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ Blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam”, ông Lê Quang Huy chia sẻ.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình bày tham luận sâu về các vấn đề trọng tâm của công nghệ Blockchain, các ưu thế, tiềm năng phát triển và ứng dụng thực tiễn của công nghệ này như dịch vụ tài chính, quản lý danh tính, chuỗi cung ứng và giao dịch tài chính,...

z4736750502420_a06562b8ea465e6dbb785719af6cf1a0.jpg
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đánh giá, công nghệ Blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác. "Trong tương lai, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng Blockchain còn tiếp tục được mở rộng sang các lĩnh vực xương sống của đất nước là an sinh xã hội, quản lý dân cư, an ninh, quốc phòng...”, ông Hoàng Văn Huây dự báo.

Trong bài tham luận tổng quan về Blockchain tại hội thảo, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết, Blockchain được phát triển để đáp ứng sự tiến hoá của Web. Internet hiện tại đã trải qua một sự tiến bộ đáng kể qua các giai đoạn phát triển từ Web 1.0 đến Web 3.0. Trong đó, Web 1.0 (từ những năm 1990 đến đầu 2.000, tập trung vào việc cung cấp thông tin qua các trang web tĩnh và hệ thống liên lạc qua email); Web 2.0 (từ những năm 2.000 - 2020) đánh dấu một giai đoạn tiến bộ đáng kể trong phát triển công nghệ mạng, đồng thời mang lại nhiều lợi ích và đồng thời gây ra một số điểm yếu. Trong đó điểm yếu đáng chú ý là người dùng không có quyền kiểm soát dữ liệu, khi dữ liệu cá nhân được thương mại hoá và bán đi mà không được sự đồng ý hoặc kiểm soát của họ.

Do đó, bước tiến mới mạnh mẽ hơn đến từ giai đoạn Web 3.0 (bắt đầu từ những năm 2020). Trong Web 3.0, Internet of Things (IoT) đã trở nên phổ biến và lan rộng, kết nối mọi thiết bị. Đặc trưng của giai đoạn này là sự phi tập trung và cá nhân hóa, tập trung vào trải nghiệm thông minh và học hỏi, ví dụ như metaverse. Tiền điện tử và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương cũng được khám phá và phát triển trong bối cảnh này, cùng với các dịch vụ được xây dựng trên nền tảng Blockchain để cung cấp tính bảo mật và độ tin cậy cho người dùng.

z4736750535062_58adbccc03b33c7536b220ddb823b4de.jpg
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA trình bày tham luận tại hội thảo

“Blockchain mang đến tính minh bạch và quyền riêng tư bằng cách cung cấp một hệ thống đồng thuận mở và quy tắc rõ ràng cho mỗi giao dịch. Điều này tạo điều kiện cho người dùng có thể kiểm tra thông tin và đồng thời duy trì quyền riêng tư với khía cạnh mật mã hóa mạnh mẽ. Như vậy, Blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi của Web 2.0 và mở ra triển vọng tích cực cho tương lai của Internet”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.

Hướng tới hệ thống pháp lý hoàn chỉnh

Với những giá trị và tính ứng dụng rộng khắp của Blockchain các diễn giả tham gia hội thảo cho rằng, để thúc đẩy công nghệ Blockchain phát triển cần hành lang pháp lý hoàn chỉnh.

Qua nghiên cứu, ông Hoàng Văn Huây cho biết, mặc dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cụ thể về tài sản số nhưng gần đây, các cơ quan nhà nước đã có nhiều động thái tích cực trong việc tiếp cận hình thái tài sản mới này.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành một số văn bán có nhắc đến công nghệ Blockchain/tài sản ảo/tiền điện tử/tiền ảo, như: Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; Quyết định số 100/QD-TTg ngày 19/1/2019: “Phê duyệt Đề án triển khai, ứng dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc” trong đó: Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc;

Quyết định số 749/QD-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, Blockchain là một trong một số công nghệ cốt lõi được lựa chọn nghiên cứu ưu tiên mà Việt Nam có thể dẫn đầu cũng như có khả năng để tạo nên bước đột phá mạnh mẽ; Quyết định số 942/QD-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử theo hướng Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” về giải pháp “Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain”.

z4736750489215_84234e656a92bdc2af7423346609882d.jpg
Quang cảnh hội thảo

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA khuyến nghị, việc thúc đẩy ứng dụng Blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ, đồng thời đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như: Tiền ảo (VA), tiền mã hoá (CA), tài sản số… dưới góc độ bộ Luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành luật và các văn bản pháp lý tương đương về quản lý tài sản số như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan,... nhằm tăng cường bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống tội phạm tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng. “Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ hiện tại để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ Blockchain nói riêng”, ông Hoàng Văn Huây nhấn mạnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy ứng dụng Blockchain từ góc độ pháp lý và tuân thủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO