Kết nối

Thực hiện hiệu quả quy hoạch điện VIII: Cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành điện, triển khai thị trường điện bán lẻ

Bích Lan 03/08/2023 15:00

Nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, ông Trần Anh Thái- nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia cho rằng, cần cơ chế tổ chức thực hiện đầu tư nguồn điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tái cấu trúc ngành Điện, triển khai thị trường điện bán lẻ...

Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là văn bản pháp lý quan trọng với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước và là cơ sở tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân liên quan nghiên cứu, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện để phát triển ngành điện lực Việt Nam.

020820230551-pcn-ta-dinh-thi.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Quy hoạch điện VIII đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương VI khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Điện lực năm 2004; Luật Điện lực sửa đổi số 24/2012/QH12 ngày 20/11/2012; Luật Quy hoạch số 21/17/QH14 ngày 26/12/2017; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách luật pháp, khung pháp lý liên quan đến thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII.

Cần đánh giá đầy đủ các giải pháp thực hiện Quy hoạch điện VIII

Đề cập về phân bổ công suất trong phát triển điện gió, mặt trời và điện khí tự nhiên hóa lỏng khi thực hiện Quy hoạch điện VIII, ông Trần Anh Thái-nguyên Trưởng Ban Lưới điện, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nêu quan điểm: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành đã được xây dựng dựa trên các quy hoạch quốc gia và tỉnh liên quan căn cứ vào Luật Quy hoạch hiện hành. Bộ Công Thương đã tuân thủ qui trình thực hiện lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào đời sống kinh tế và chính trị của thế giới thì chúng ta đã thấy sự thay đổi rất nhanh của các yếu tố đầu vào như: Giá nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu và khí có thể tăng vọt khi có những biến động lớn trong chuỗi cung ứng hay tranh chấp địa chính trị trong khu vực hay quốc tế. Giá các loại nhiên liệu này đã tăng đến 400-500% khi có chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Phụ tải của các vùng trong nước có thể thay đổi lớn khi có sự dịch chuyển của các nhà máy theo chuỗi cung ứng quốc tế, cả đến và cả đi. Lưu ý là, ngoài các ưu đãi về thuế-phí, ưu thế về nguồn nhân lực thì năng lực của hạ tầng trong đó đảm bảo cung cấp điện, mà phải là điện sạch là một yếu tố quan trọng của khả năng thu hút đầu tư.

020820230550-ong-tran-anh-thai.jpg
Ông Trần Anh Thái-nguyên Trưởng Ban Lưới điện, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Công nghệ phát điện bằng các loại nguồn điện sạch, trong đó có gió, mặt trời thậm chí cả điện hạt nhân ngày càng phát triển và giá thành đang giảm với tốc độ đáng kế. Ví dụ chi phí thiết bị và tấm pin mặt trời trong 10 năm qua đã giảm đến 80%. Đi kèm với đó là chi phí cho các công nghệ phục vụ truyền tải phân phối và tích trữ năng lượng để nâng cao khả năng tích hợp tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành hệ thống điện cũng giảm với tốc độ nhanh khi được sử dụng rộng rãi.

Ông Trần Anh Thái nhấn mạnh: Nhu cầu về độc lập năng lượng của quốc gia cũng trở nên ngày càng bức thiết để khắc phục được rủi ro khi có những sự kiện hay biến động trong tranh chấp chủ quyền cũng như địa chính trị của khu vực hay trên thế giới. Chúng ta đã thấy một châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung khí của Nga khó khăn như thế nào trong thời gian vừa qua. Nhu cầu và xu thế chuyển dịch năng lượng, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải hay tiêu dùng đang có xu thế chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang điện hay các sản phẩm được sản xuất từ điện như Hydrogen. Việt Nam cũng phải thực hiện quá trình này do lộ trình đánh thuế carbon của các nước đối với  hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không đáp ứng các tiêu chí về phát thải.

Với những lý do trên, ông Trần Anh Thái cho rằng, cần phân tích và đánh giá rủi ro đối với việc triển khai các dự án nhà máy điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí từ nay cho đến năm 2030. Khối lượng này là quá lớn mà thời gian chúng ta không còn nhiều. Do vậy, trên cơ sở đánh giá rủi ro này, cần đưa ra luôn giải pháp thay thế để việc điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thực hiện được thuận lợi, nhanh chóng và tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ các giải pháp thực hiện Quy hoạch điện VIII để có thể tích hợp với tỷ lệ ngày càng cao các nhà máy gió và mặt trời vào hệ thống điện. Các giải pháp kỹ thuật để xử lý các vấn đề kỹ thuật như quán tính thấp, liên kết yếu, điều khiển tần số, điều khiển điện áp, ổn định động… của hệ thống điện cũng cần được xem xét vì chi phí thực hiện cũng không phải là nhỏ.

Đẩy mạnh tái cấu trúc ngành Điện, triển khai thị trường điện bán lẻ

Theo ông Trần Anh Thái, phát triển hệ thống truyền tải điện là một giải pháp không thể thay thế khi các nguồn thủy điện, gió, mặt trời có tỷ trọng lớn trong hệ thống điện. Do đặc điểm của các loại nguồn này chỉ có thể được xây dựng tại nơi có tiềm năng loại năng lượng này. Dựa vào qui hoạch nguồn điện đặc biệt là các Khu năng lượng tái tạo (REZ) và các trung tâm phụ tải ở 6 vùng 3 miền thì hệ thống truyền tải sẽ được qui hoạch tương ứng. Phần phân tích kinh tế đã có tính toán chi phí biên dài hạn nhưng cần phân tích rõ hơn về các giá bán điện trung bình cho từng năm làm cơ sở để theo dõi việc thực hiện quy hoạch cũng như là đầu vào cần thiết cho quá trình điều chỉnh hay cập nhật Quy hoạch điện VIII.

020820230527-dsc06796.jpg
Đoàn công tác đại biểu Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Trần Anh Thái cho rằng, điện phải đi trước một bước. Do hệ thống điện là hạ tầng trọng yếu quốc gia có tính chất chịu ảnh hưởng về mặt vật lý trên toàn hệ thống, ví dụ một sự cố ở Bạc Liêu cũng có thể gây ra sự cố mất điện ở Hà Nội. Việc đầu tư các công trình lưới điện sẽ mất khoảng 4-6 năm và có những công trình kéo dài hơn 10 năm cũng như thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 20 năm. Thị trường điện theo đúng nghĩa của nó cũng có những đặc điểm riêng liên quan đến kỹ thuật và tài chính. Việc đảm bảo cung cấp điện bao gồm cả yếu tố công suất, năng lượng và ổn định của một hệ thống điện vật lý theo dòng xoay chiều. Khi thiếu điện ,đặc biệt là thiếu năng lượng thì chúng ta chỉ có thể giải quyết nó với các chương trình được thực hiện tính theo thời gian bằng năm.

Với các đặc điểm như trên và để phát triển, quản lý, vận hành hệ thống điện Quốc gia một cách hiệu quả với tổng công suất lắp đặt khoảng 158.000MW trong sự cân bằng hợp lý của năng lượng sạch và xanh; hệ thống điện an toàn và ổn định; giá điện hợp lý. Ngoài ra, cần xem xét thành lập Bộ Năng lượng trong vai trò thay mặt Chính phủ quản lý và điều hành toàn bộ ngành Năng lượng trong đó có ngành Điện. Chúng ta thấy rằng, ngành Giao thông vận tải hay Thông tin liên lạc cũng phải có Bộ chuyên ngành để quản lý.

Theo ông Trần Anh Thái, vì thời gian chúng ta không còn nhiều cho đến 2030 nên rất cần một cơ chế tổ chức thực hiện đầu tư nguồn điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối sau khi ban hành Quy hoạch điện VIII và kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tái cấu trúc ngành Điện, triển khai thị trường điện bán lẻ và thị trường điều khiển tần số và dịch vụ phụ. Thị trường điện công cụ tự điều tiết tốt nhất và chỉ có cách đó mới đảm bảo cung cấp đủ điện và giá điện theo cơ chế thị trường một cách công khai, minh bạch.

Theo quochoi.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hiệu quả quy hoạch điện VIII: Cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngành điện, triển khai thị trường điện bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO