Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Thực thi ESG nhìn từ kinh nghiệm triển khai của EU và một số nước châu Á

Minh Hoàng 27/09/2024 - 10:46

EU với quy định pháp lý về ESG đầy đủ, có tính bắt buộc và quy trình tích hợp ESG bài bản với 4 bước cụ thể hay Hàn Quốc với bộ tiêu chí Phân loại xanh Hàn Quốc (K-Taxonomy) thiết lập các nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng cho các hoạt động kinh tế xanh,… là những kinh nghiệm triển khai ESG thực tiễn mà Việt Nam nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng có thể áp dụng.

EU với quy trình tích hợp ESG bài bản

Nghiên cứu cụ thể các kinh nghiệm triển khai của EU, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhận định, quy định pháp lý về ESG của EU rất đầy đủ và có tính bắt buộc. Ví như, chỉ thị Báo cáo Phi tài chính (Non Financial Reporting Directive - NFRD) đề ra các quy tắc cụ thể cho quá trình công bố thông tin liên quan đến các khía cạnh và lĩnh vực phi tài chính đối với các công ty có quy mô lớn và có sức ảnh hưởng đến công chúng.

Cùng với đó, quy định về công bố thông tin tài chính bền vững (Sustainable Finance Disclosure Regulation - SFDR) của EU cũng quy định về các rủi ro liên quan đến yếu tố phát triển bền vững một cách thống nhất, chi tiết và minh bạch.

Ngoài ra, tiêu chí phân loại hoạt động bền vững từ Liên minh châu Âu (EU Taxonomy), bao gồm các tiêu chí thống nhất trên toàn Liên minh châu Âu để xác định xem một hoạt động kinh tế bất kì có tính bền vững hay không.

Cùng với quy định pháp lý, quy trình tích hợp ESG của EU cũng rất bài bản với 4 bước cụ thể, gồm:

eu.png
Quy trình tích hợp ESG bài bản của EU

Một là, thiết lập mục tiêu ESG. EU thiết lập các mục tiêu xoay quanh phát triển bền vững, lồng ghép các cam kết ESG gắn liền với mục tiêu kinh doanh, tầm nhìn và sứ mệnh của ngân hàng.

Hai là, xây dựng bộ máy. Các nước EU xác định, cơ cấu tổ chức và xây dựng khuôn khổ quản trị gắn liền với các yếu tố bền vững sẽ là yếu tố nền tảng cho các ngân hàng hiện thực hóa các chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, xây dựng khuôn khổ bền vững và tích hợp ESG. Khung phát triển bền vững của EU đóng vai trò như “kim chỉ nam” cho toàn bộ hoạt động của ngân hàng theo hướng tích hợp ESG và là cơ sở để ngân hàng đưa ra các quyết định kinh doanh sau khi cân nhắc các rủi ro ESG trong quy trình cho vay, đầu tư.

Bốn là, công bố thông tin ESG. Trước áp lực gia tăng từ các khung pháp lý và các bên liên quan, các ngân hàng châu Âu công bố thông tin ESG trên các báo cáo thường niên, với nhiều tên gọi như báo cáo tích hợp, báo cáo phi tài chính, báo cáo bền vững.

Hàn Quốc đi đầu trong thực thi ESG tại châu Á

Trong các quốc gia khu vực châu Á, Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trong công tác phát triển và thực thi chiến lược ESG. Theo bà Lee Eun Ha, Giám đốc phòng Kế hoạch ESG của Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã phát triển bộ tiêu chí Phân loại xanh Hàn Quốc (K-Taxonomy) để ngăn chặn rửa xanh và thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh thực sự, thiết lập các nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng cho các hoạt động kinh tế xanh.

Đi chi tiết hơn về nguyên tắc và tiêu chí phân loại xanh K-Taxonomy, bà Lee Eun Ha cho biết, K-Taxonomy là một hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế thành xanh và không xanh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh thực sự và ngăn chặn hiện tượng rửa xanh.

K-Taxonomy quy định cụ thể thành phần gồm 6 mục tiêu chính về môi trường gồm: giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước, kinh tế tuần hoàn, ô nhiễm, đa dạng sinh học. 74 hoạt động kinh tế xanh của Hàn Quốc sẽ cùng góp phần thực hiện các mục tiêu này.

Về nguyên tắc, K-Taxonomy nêu rõ, phải góp phần đạt được một hoặc nhiều hơn trong số 6 mục tiêu môi trường(Substantial Contribution, SC; không được gây tổn hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác trong quá trình đạt được các mục tiêu môi trường (Do No SignificantHarm, DNSH); không được vi phạm pháp luật liên quan đến nhân quyền, lao động, an toàn, chống tham nhũng, di sản văn hóa, v.v. (Minimum Safeguards, MS).

K-Taxonomy cũng quy định chi tiết từng tiêu chí đánh giá, từ tiêu chí hoạt động đến tiêu chí công nhận, tiêu chí loại trừ và tiêu chí bảo vệ trước khi quyết định đạt chuẩn Phân loại xanh.

chu-trinh-tuan-hoan.png
Chu trình tài chính xanh tuần hoàn của Hàn Quốc

Cùng với Phân loại xanh, Hàn Quốc cũng xác định tập trung phát hành trái phiếu xanh để sử dụng cho các dự án đạt chuẩn phân loại xanh. Bộ Môi trường Hàn Quốc đang xúc tiến chương trình hỗ trợ lãi suất để kích hoạt Trái phiếu xanh Hàn Quốc.

Cùng với Hàn Quốc, Singapore cũng được đánh giá là quốc gia có cách tiếp cận toàn diện trong việc tích hợp ESG vào hoạt động tín dụng.

Cụ thể, Singapore thực hành tích hợp ESG trong hoạt động cấp tín dụng theo 3 hướng tiếp cận gồm: giảm hoặc dừng tài trợ cho dự án vi phạm tiêu chuẩn bền vững; đẩy mạnh các khoản cho vay thỏa mãn các tiêu chí bền vững; tích hợp quản trị rủi ro ESG trong việc thẩm định dự án, như một bước tất yếu trong quy trình phê duyệt cấp tín dụng.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã có những bước phát triển trong thực hiện ESG. Cụ thể, ngoài các quy định pháp lý chung, Trung Quốc còn ban hành “Hướng dẫn Tài chính Xanh cho Ngành Ngân hàng và Bảo hiểm”, nâng tầm quan trọng của việc phát triển ESG trong ngành ngân hàng lên cấp độ chiến lược, yêu cầu các ngân hàng phải tích hợp ESG vào các quy trình quản lý và hệ thống quản lý rủi ro toàn diện.

Một cơ cấu tổ chức ESG hoàn chỉnh tại Trung Quốc phải gồm 3 cấp độ là: Quản trị - Quản lý - Thực thi (GME). 3 cấp độ cùng làm rõ trách nhiệm trong kinh doanh và quản lý ESG. Một số ngân hàng tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu thành lập bộ phận quản lý ESG ở cấp chi nhánh.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng đã bắt đầu xếp hạng tín nhiệm ESG bằng cách tích hợp ESG và rủi ro khí hậu vào các mẫu báo cáo và thẩm định tín dụng khách hàng doanh nghiệp, đồng thời đưa các chỉ số rủi ro liên quan đến ESG vào các yếu tố xếp hạng nội bộ.

Mặt khác, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang bắt đầu phát triển các sản phẩm liên quan đến đầu tư khí hậu; có kế hoạch hỗ trợ các ngành công nghiệp carbon thấp, thúc đẩy chuyển đổi danh mục đầu tư và tài trợ giảm thiểu carbon, tăng cường quản lý rủi ro khí hậu và củng cố nền tảng đầu tư và tài trợ cho các công cụ đo lường phát thải carbon.

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ rất sớm, NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (năm 2015) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm định hướng các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

NHNN cũng đã phối hợp với Công ty tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.

Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Do vậy, kinh nghiệm từ các nước EU và các quốc gia khu vực châu Á sẽ là những góc nhìn mới về cách thức triển khai thực hiện ESG trong thực tiễn, từ đó thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững của tất cả các ngành kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi ESG nhìn từ kinh nghiệm triển khai của EU và một số nước châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO