Thảo luận về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các đại biểu đều nhất trí rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết về vấn đề này, tuy nhiên, cần tính toán để tìm ra giải pháp để thu hút, giữ chân nhà đầu tư và đảm bảo đồng bộ thống nhất của pháp luật về thuế.
Luật chơi chung, không thực hiện là từ bỏ quyền đánh thuế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng, tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2024, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024, có các quy định đánh thuế, gồm: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), Quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR) và Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).
Theo Tờ trình của Chính phủ, đối chiếu với quy định của pháp luật về thuế TNDN tại Việt Nam, để tập trung giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác, đồng thời để đảm bảo tính khả thi (do đây là chính sách mới, chưa có nước nào đã áp dụng) và tham khảo tình hình triển khai áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần thiết phải áp dụng luật chơi này. Theo đại biểu Lê Trường Lưu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế, nếu các nước đã áp dụng mà Việt Nam chưa nội luật hoá để áp dụng thì sẽ bị thiệt thòi, không giành được quyền đánh thuế. Mặt khác, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ góp phần chống chuyển giá, tăng nguồn thu ngân sách.
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, khi chúng ta đã tham gia quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, thậm chí ngay cả khi không tham gia thì đây cũng là một “luật chơi” mới được đông đảo các nước trên thế giới áp dụng, nếu chúng ta không thực hiện thì sẽ từ bỏ quyền đánh thuế, chủ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng cho rằng quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD là một “luật chơi” mới được đông đảo các nước trên thế giới áp dụng, nếu chúng ta không thực hiện thì sẽ từ bỏ quyền đánh thuế, chủ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Bài toán thu hút và giữ chân các "đại bàng"
Về vấn đề giữ chân nhà đầu tư, tại phần báo cáo Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung, để giữ chân các nhà đầu tư cũ và tránh các hệ luỵ rất lớn nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng đặt ra câu hỏi về tác động của chính sách mới này nếu những ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư không còn nữa.
Đại biểu Lê Trường Lưu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng có 2 vấn đề đặt ra khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Một là, chính sách ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì rõ ràng, mức thu thuế bình quân với các nước là bằng nhau, chính sách ưu đãi thuế của các nước sẽ giống nhau. Vậy để thu hút đầu tư vào Việt Nam cần nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi khác. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng...
Hai là, phải tính toán những xung đột về thuế khi các dự án đã được tính toán ưu đãi đầu tư, được miễn giảm thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, cần có giải pháp truyền thông, tuyên truyền, vận động để tránh những xung đột khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, trước đây, nước ta đã áp dụng nhiều hình thức, nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế và các chính sách dựa vào thuế cũng khá nhiều. Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì về cơ bản, những ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư sẽ không còn nữa.
Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu bài toán đặt ra là làm sao để tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư đã đến Việt Nam, đã đầu tư, đã triển khai các dự án.
Cùng với việc thu hút và giữ chân nhà đầu tư, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ có những tác động đến các tập đoàn trong nước. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, dự kiến có 6 tập đoàn trong nước sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (IIR) có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu). Tuy nhiên, theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước.
"Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện còn chưa đánh giá hết những tác động này, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hằng năm và có thể là nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết.