Nhờ chủ động cân đối nguồn vốn, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất chế biến, thu mua, tạm trữ xuất khẩu lúa gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023 -2024, với kết quả dư nợ cho vay lúa, gạo tăng trưởng 1,2%.
Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho thấy, điểm đáng chú ý là tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, nhất là thủy sản, đã mang lại những con số ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xuất được 13.315 tấn, với kim ngạch đạt 32,7 triệu USD, tăng gần 36% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ. Đây cũng là con số ấn tượng sau thời gian dài gặp khó khăn do dịch bệnh và nhiều yếu tố thị trường tác động khác.
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra phi lê (chiếm 80%), còn lại là các thủy sản khác, như: nghêu, sò, mực, ếch, thủy sản đóng hộp, chả cá. Nguồn cung cá tra tại Việt Nam dự kiến sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt. Những yếu tố này kỳ vọng sẽ giúp giá cá tra xuất khẩu phục hồi tích cực trong thời gian tới.
Đối với ngành hàng rau quả, các đơn vị cũng đã xuất được 3.000 tấn, với kim ngạch đạt 7,5 triệu USD, tăng 95% về lượng và tăng hơn 147% về trị giá so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang, như: kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt 180 triệu USD; giày dép các loại ước đạt 120 triệu USD; may mặc ước đạt 90 triệu USD, sắt thép ước đạt 55 triệu USD… Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo cũng đã xuất khẩu đạt 9.512 tấn, với trị giá đạt 6,1 triệu USD.
Đặc biệt hiện tại sản xuất lúa của bà con nông dân ở tỉnh Tiền Giang đang vào vụ thu hoạch vụ Đông Xuân 2023 – 2024, áp lực về dòng tiền lưu động tăng cao để mua lúa của bà con nông dân là rất lớn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng trên địa bàn phải có các giải pháp chủ động cân đối nguồn vốn để kịp thời cho vay, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận dòng chảy tín dụng vay vốn sản xuất chế biến, thu mua, tạm trữ xuất khẩu lúa gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang, đến cuối tháng 2/2024, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt dư nợ tín dụng là 11.633 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2023.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023 – 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh cho vay thua mua, kinh doanh doanh lúa, gạo không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng, Rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo kịp thời, hỗ trợ tính mùa vụ trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo.
Tập trung nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; cho vay phục vụ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tăng cường triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa, gạo trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tinh Tiền Giang cho biết, Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay ngành lúa, gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nếu có.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chính sách tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa được bình đẳng trong tiếp cận vốn như các lĩnh vực khác trong nền kinh tế; khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng không ngừng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các đối tượng này trong tiếp cận vốn vay và tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng phù hợp với quy mô, đặc thù hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Đậm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ tích cực nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể, để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo và điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định về lãi suất cho vay, nhằm đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận vốn vay với mức lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của các ngân hàng, tăng cường thực hiện các giải pháp, nhằm thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh…
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 6.012 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 1.312 về số lượng doanh nghiệp và tăng 127,9% so năm 2011; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có 14 Chi hội doanh nghiệp trực thuộc, thu hút hơn 773 hội viên tham gia; đại bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân có tinh thần cầu tiến, đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh đúng chính sách, pháp luật, góp phần chăm lo đến lợi ích xã hội, đảm bảo lợi ích của người lao động; thực hiện đúng nghĩa vụ với Nhà nước, vượt qua khó khăn để đảm bảo hiệu quả bền vững.
Đến nay, có khoảng hơn 70% sản phẩm OCOP góp mặt vào hệ thống siêu thị của tỉnh và các cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí khoảng 600 triệu đồng để đầu tư, xây dựng 8 điểm trưng bày và chuyên kinh doanh sản phẩm OCOP.