Tiếp tục hoàn thiện cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng

Thanh Thanh| 15/09/2022 16:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, sau 17 năm triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị,  tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW vừa phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW”.

Tăng trưởng khá nhưng dưới tiềm năng

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết phát biểu tại Hội nghị

Vùng ĐBSH là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương (TW). Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, các cấp, các ngành nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo, kinh tế - xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập; tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu kết nối, chưa bền vững, quy hoạch đô thị có nhiều hạn chế; Đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.... Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nhiệm vụ phát triển TP. Nam Định thành đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam ĐBSH và xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, Quảng Ninh chưa hoàn thành…

Hướng tới phát triển nhanh, bền vững...

Toàn cảnh hội nghị

Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết - ông Trần Tuấn Anh cho rằng các ý kiến  phát biểu đã tập trung đánh giá sâu và nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của vùng, các địa phương, đặc biệt là vị trí, vai trò của vùng ĐBSH với cả nước để đề xuất bổ sung, điều chỉnh quan điểm phát triển và nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong thời gian tới, ví dụ như chiến lược phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lĩnh vực môi trường; lĩnh vực văn hóa....; Phát hiện các vấn đề có ý nghĩa và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế vùng, địa phương chưa được đề cập hoặc cần làm sâu sắc hơn tại Dự thảo Báo cáo, nhất là các tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, các xu thế kinh tế mới và hội nhập kinh tế sâu rộng của vùng và cả nước.

Trưởng ban Kinh tế TW đặc biệt lưu ý các ý kiến cần đề xuất chính sách để phát huy tiềm năng lợi thê của vùng kinh tế này. Đồng thời cho biết, Thường trực Tổ Biên tập sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đã đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; những khó khăn, hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm; đánh giá bối cảnh tình hình mới và từ đó đề xuất các ý kiến về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSH trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị TW sớm hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch cho các tỉnh vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến 2050. Bởi Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSH thời ký 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh trong đó Hà Nội trở thành đại đô thị thông minh dẫn dắt cả vùng.

Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được về liên kết vùng. Thực tế trong thời gian qua, việc liên kết vùng đã được các địa phương vùng ĐBSH chủ động liên kết, chủ động kết nối tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đặt vấn đề là làm thế nào biến tư duy liên kết vùng vào thực tế triển khai thực hiện. Theo đó, cần làm rõ quy hoạch vùng, bố trí không gian phát triển cho vùng để tránh đứt đoạn. Trong quy hoạch nếu không bố trí các mạng lưới khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm logicstic thì sẽ thất bại về liên kết vùng. Nếu không xác định được cái nào phục vụ địa phương, cái nào phục vụ nội vùng và quốc gia thì sẽ không đạt được mục tiêu tổng thể...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO