(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mùa Xuân năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng ta đã diễn ra tại địa điểm có tên là Tống Vương Đài thuộc vùng Cửu Long của Hồng Kông, Trung Quốc. Đây cũng là địa danh lịch sử ghi dấu nhiều hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước.
Từ lâu chúng ta đã biết Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc), nhưng ở địa điểm cụ thể nào thì chúng ta chưa có điều kiện xác định. Trong cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” tác giả Trần Dân Tiên viết về thời gian diễn ra Hội nghị như sau: Để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh “mạt chược”, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng…
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh: Phan Kế An |
Hồng Kông có 4 vùng gồm vùng Cửu Long, vùng Hồng Kông, vùng Đất mới và vùng Lan Tẩu, Tống Vương Đài, (tức Đài kỷ niệm vua Tống, phiên sang tiếng Anh là Sung Wong Toi) thuộc vùng Cửu Long. Tuy nhiên tên địa danh Tống Vương Đài lần đầu tiên được biết đến trong công trình nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Tranh, một học giả Trung Quốc đã dành nhiều tâm huyết và công sức nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, giáo sư Hoàng Tranh đã trực tiếp ghi được hồi ký của nhân chứng lịch sử là Nhiêu Vệ Hoa, một đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tỉnh ủy Quảng Đông cử tới Hồng Kông giúp đỡ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiêu Vệ Hoa và Nguyễn Ái Quốc quen biết nhau khi họ cùng hoạt động tại Quảng Châu những năm 20 thế kỷ XX. Nhiêu Vệ Hoa kể: Sau khi đến Hồng Kông không lâu, Hồ Chí Minh đã bắt liên lạc với cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi đã từng được cơ quan cử đến Trụ sở bí mật của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để gặp Hồ Chí Minh.
Với những tư liệu xác đáng, trong cuốn sách xuất bản tại Trung Quốc năm 1995 “Hồ Chí Minh với Trung Quốc”, giáo sư Hoàng Tranh viết: Hội nghị hợp nhất Đảng Công sản Việt Nam được họp ở Tống Vương Đài gần bờ biển, gần miếu Hầu Vương ở Cửu Long, tác giả còn cung cấp cả hình ảnh về Tống Vương Đài.
Gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có những cuộc khảo sát thực tế tại Hồng Kông. Trên cơ sở tài liệu có được ở Việt Nam và Trung Quốc thì có thể khẳng định Tống Vương Đài thuộc quận Cửu Long Thành của bán đảo Cửu Long, nơi có những đặc điểm như: dấu tích đài kỷ niệm vua Tống, có sân vận động bên bờ biển, có dãy phố của những người công nhân nghèo…, là nơi đã chứng kiến Hội nghị thành lập Đảng ta 90 năm trước.
Tháng 10/1930, tại Hồng Kông, Đảng ta đã tiến hành họp Hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Sau này qua nhiều tài liệu, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng xác định được là Hội nghị cũng đã được họp tại khu vực Tống Vương Đài. Đồng chí Nhiêu Vệ Hoa, người đã được Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tỉnh Quảng Đông cử tới chúc mừng Hội nghị kể lại: Hội nghị được tiến hành khai mạc tại Tống Vương Đài bên bờ biển, đối diện với miếu Hầu Vương Cửu Long.
Trong báo cáo nhanh gửi Quốc tế Cộng sản ngày 28/10/1930, Nguyễn Ái Quốc thông báo Hội nghị đã họp từ ngày 12/10 đến ngày 27/10, tóm tắt những nghị quyết Hội nghị đã thảo luận và thông qua như: Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng, nhiệm vụ trước mắt của Đảng. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương chính thức do Tổng bí thư Trần Phú đứng đầu…
Toàn cảnh bán đảo Cửu Long, nhìn từ đảo Hồng Kông |
Luận cương chính trị của Đảng đã xác định những vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng Đông Dương là cuộc cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa phát triển thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương thời kỳ đầu là đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc và đánh đổ phong kiến mang lại ruộng đất cho dân cày. Luận cương đã xác định giai cấp vô sản và nông dân là hai lực lượng chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được. Luận cương cũng xác định phương pháp giành chính quyền của cách mạng là khởi nghĩa vũ trang.
Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã xác định được vấn đề có tầm chiến lược của cách mạng Đông Dương, góp một phần quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, trang bị cho những người cộng sản Đông Dương vũ khí tư tưởng sắc bén để đấu tranh giành thắng lợi.
Như vậy, Tống Vương Đài ở Hồng Kông, nơi đã chứng kiến Hội nghị thành lập Đảng, cũng là nơi đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương. Chưa hết, khu vực Tống Vương Đài, nơi có ngôi nhà số 186 phố Tam Kung đã chứng kiến việc cảnh sát Hồng Kông đến bắt trái phép Nguyễn Ái Quốc vào sáng sớm ngày 6/6/1931.
Nằm trong khu phố của những người lao động nghèo, nhà số 186 Tam Kung đã là nơi ở bí mật của Nguyễn Ái Quốc và là cơ sở bí mật của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông. Mật thám Pháp phối hợp với mật thám Anh đã tổng hợp những tài liệu thu được từ Sài Gòn, Singapore, Thượng Hải để tìm ra địa chỉ bí mật này của Nguyễn Ái Quốc.
Trải qua gần 20 tháng bị giam giữ, Nguyễn Ái Quốc đã phải đối mặt với cái chết do các thế lực đế quốc câu kết chặt chẽ với nhau, từ lâu mưu toan thủ tiêu Nguyễn Ái Quốc vì những hoạt động cách mạng của Người.
Với tinh thần lạc quan cách mạng và dũng khí kiên cường, cách xử lý thông minh, tỉnh táo và khôn khéo, lại được sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản cùng một số luật sư chân chính, đặc biệt là Luật sư Phơrăngxit Henri Lôdơbi (Francis Henri Loseby), cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã giành thắng lợi. Gia đình Luật sư Lôdơbi lại giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hồng Kông an toàn, trở lại Liên Xô tiếp tục sự nghiệp cách mạng.
Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông là một vụ án nổi tiếng trong lịch sử tòa án Hồng Kông thế kỷ XX. Chiến thắng của Nguyễn Ái Quốc trong vụ án này đã để lại một di sản vô hình về tính nhân văn, nhân cách và bản lĩnh cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu, người sáng lập và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam.
Nếu tính từ tháng 1/1930 khi từ Thái Lan đến Hồng Kông thực hiện nhiệm vụ của quốc tế Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến khi rời Hồng Kông vào mùa xuân năm 1933, Nguyễn Ái Quốc đã có một thời gian dài đầy sóng gió ở vùng đất này. Trong hoàn cảnh đó, Tống Vương Đài ở bán đảo Cửu Long đã là một địa chỉ nổi bật ghi dấu ấn quan trọng trong những ngày đầu thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng như xác định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng nước ta.
Hồng Kông và Tống Vương Đài đã có nhiều thay đổi. Những năm đầu thế kỷ XX, Hồng Kông là một cảng tự do có chức năng như một trung tâm xuất nhập khẩu của đế quốc Anh. Cuối năm 1941 đế quốc Nhật chiếm Hồng Kông, và vào thời gian đó quân đội Nhật đã phá Tống Vương Đài. Nhưng rất may là tảng đá lớn ghi chữ Đài Tống Vương vẫn còn nguyên. Năm 1945, sau thất bại của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ II, Anh tiếp tục kiểm soát Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông xây dựng công viên và đưa tảng đá có dòng chữ Trung Quốc: Tống Vương Đài đặt vào khuôn viên này. Phố Tam Kung thì vẫn còn nhưng nhà số 186 không còn nữa vì ở vị trí này chính quyền Hồng Kông đã phá một đoạn phố để mở đại lộ Olympic.
Theo thông tin của Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã có một số nhà khoa học và những người bạn Hồng Kông yêu mến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh có sáng kiến vận động dựng bia ghi dấu các địa điểm di tích Hồ Chí Minh ở Hồng Kông, trong đó có Tống Vương Đài.
Nếu được như vậy thì dù Hồng Kông có đổi thay như thế nào thì những địa điểm liên quan đến Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng ta trên đất Hồng Kông, sẽ trở thành di sản tinh thần vô giá gắn kết quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.